Kinh tế tập thể trong xây dựng chuỗi liên kết và phát triển sản phẩm
Trong phát triển sản xuất nông nghiệp, giá trị sản phẩm sau sản xuất thường phụ thuộc nhiều vào thị trường và “được mùa, mất giá” luôn là điệp khúc mà người nông dân gặp phải do tập quán sản xuất nhỏ lẻ, manh múng và thiếu tính liên kết.

Từ thực tế trên cho thấy, thông qua vai trò của kinh tế tập thể (hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) hay các chi, tổ hội nghề nghiệp…) đang dần trở thành “cầu nối” quan trọng trong hình thành chuỗi giá trị hàng hóa và nông dân không thể tách rời.

Thời gian qua, một số mô hình HTX thực hiện tốt vai trò của mình đã đem lại nhiều nét khởi sắc cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự an tâm của người sản xuất cũng như đưa sản phẩm nông nghiệp vươn xa, tiếp cận với thị trường tốt hơn…

Ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh chia sẻ: hiện trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực HTX nông nghiệp, đến cuối tháng 11/2021 được 144 HTX nông nghiệp (trong đó có 13 HTX kiểu mới; 16 HTX được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng với kinh phí trên 10 tỷ đồng; 07 HTX được hỗ trợ xây dựng sản phẩm sản xuất theo VietGap) và 01 Liên hiệp HTX lúa gạo.Với thế mạnh là tỉnh nông nghiệp, trong đó sản xuất lúa gạo và nuôi thủy sản có tỷ trọng khá lớn, do đó vai trò của các HTX nông nghiệp rất lớn trong thực hiện chuỗi liên kết về sản phẩm và tập hợp nông dân vào sản xuất theo chuỗi giá trị, hạn chế sản xuất nhỏ lẻ, manh múng… qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản và đầu ra ổn định cho nông dân.

Những mô hình HTX trong lĩnh vực nông nghiệp có bước phát triển mạnh và tạo được chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất phải kể đến HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu (xã Mỹ Chánh, huyện Châu Thành) đi vào hoạt động năm 2014. Qua hơn 06 năm hoạt động, số lượng thành viên của HTX tăng gấp 04 lần; vốn điều lệ tăng hơn 17 lần; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 60 lao động. Trong quá trình hoạt động, HTX luôn quan tâm đến quy hoạch vùng sản xuất, đến nay đã quy hoạch được 47ha sản xuất lúa giống và 223ha sản xuất lúa chất lượng cao. HTX thực hiện sản xuất lúa giống và lúa thương phẩm, đến nay HTX đã mở thêm một số dịch vụ mới để hỗ trợ cho kinh tế hộ thành viên như dịch vụ bơm tưới, phân bón, dịch vụ phun thuốc trừ sâu, tiêu thụ lúa hàng hóa. Qua thực hiện các dịch vụ, HTX đã giúp thành viên giảm chi phí sản xuất, tăng thêm thu nhập, góp phần vào công tác giảm nghèo, XDNTM.

Ông Trần Văn Công, Giám đốc HTX nông nghiệp Phú Mỹ Châu cho biết: thời gian qua, mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới đã phát huy hiệu quả tích cực, là cầu nối liên kết nông dân với doanh nghiệp, kết nối nông dân với nông dân, hướng tới nền nông nghiệp sạch, phát triển bền vững. Góp phần đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, đóng góp vào thành công cho công tác giảm nghèo tại địa phương. Đến nay, HTX đã triển khai, hướng dẫn quy trình sản xuất giống, sản xuất lúa thương phẩm đến 100% hộ thành viên trong HTX. Hàng năm, HTX đều ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa giống và lúa thương phẩm cho 100% thành viên trong HTX và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.

Cùng với đó là HTX nông nghiệp Long Hiệp, huyện Trà Cú, tuy chỉ mới đi vào hoạt động khoảng 03 năm, từ 52 thành viên, số vốn điều lệ 700 triệu đồng. Đến nay, HTX đã tăng số thành viên lên 72, vốn điều lệ tăng 2,860 tỷ đồng; giải quyết được hơn 30 lao động thời vụ, 06 lao động chuyên trách tại HTX và HTX đã xây dựng được thương hiệu Hạt Ngọc Rồng trong lĩnh vực gạo hữu cơ, hiện sản phẩm đã có mặt trên 20 tỉnh thành trong cả nước, hàng năm cung ứng số lượng lên đến 100 tấn.

Sản phẩm gạo Hạt Ngọc Rồng của HTX nông nghiệp Long Hiệp vào Top 4 gạo ngon thương hiệu Việt trong Festivanl lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long lần IV, top gạo ngon Việt Nam của hiệp Hội lúa gạo Việt Nam tổ chức

Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp chia sẻ: trước thực trạng nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi khi sản phẩm làm ra của mình bị ép giá, tác động ảnh hưởng của thị trường và giá trị gia tăng lại không cao; nên hạt lúa của nông dân trong tỉnh làm ra chưa đem lại giá trị tương xứng với tiềm năng của địa phương. Xuất phát từ nhu cầu đó, sự ra đời của HTX đã chấp cánh nhằm đưa sản phẩm của nông dân, xã viên đến với thị trường và từng bước nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện sản phẩm của HTX có mặt hầu hết trên các sàn thương mại điển tử, các kênh giao dịch online, chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn, chuỗi cửa hàng OCOP trên khắp cả nước, sản phẩm của HTX được UBND tỉnh Trà Vinh công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Top 4 gạo ngon thương hiệu Việt trong Festival lúa gạo đồng bằng sông Cửu Long lần IV, top gạo ngon Việt Nam của hiệp Hội lúa gạo Việt Nam tổ chức. 

Cũng theo anh Trầm Minh Thuần, ngoài những thành tích đạt được, HTX còn chú trọng quy trình sản xuất khép kín theo tiểu chuẩn ISO 2200 về thực phẩm, nhà xưởng được quản lý theo quy trình 5S, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ. HTX được đầu tư hệ thống đóng gói gạo bán tự động; hệ thống gào tải gạo tự động, trị giá 88 triệu đồng và hoàn thiện xây dựng trụ sở HTX (kinh phí 564 triệu đồng) từ nguồn vốn hỗ trợ của UBND huyện Trà Cú…

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 3
  • Trong tuần: 1 704
  • Tất cả: 283766