Quỹ Tín dụng Nhân dân Phương Trà: Kịp thời đưa vốn đến người dân, góp phần giảm nghèo bền vững
Với mục đích cải thiện cuộc sống của các thành viên tham gia, giúp đối tượng vay vốn có nguồn vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, tái sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả... từ khi thành lập đến nay (tháng 4/1994), Quỹ tín dụng Nhân dân (TDND) Phương Trà (xã Phương Thạnh, huyện Càng Long) đã không ngừng nỗ lực duy trì nguồn vốn vay ổn định; nguồn vốn huy động đáp ứng khả năng chi trả, đảm bảo phục vụ khách hàng. Sự cân đối hài hòa giữa vốn huy động và vốn vay (vốn ngắn - trung hạn) đảm bảo an toàn, góp phần cùng với địa phương-nơi Quỹ TDND hoạt động thực hiện giảm nghèo hiệu quả.

Theo ông Thạch Thia, Giám đốc Quỹ TDND Phương Trà, hiện Quỹ TDND Phương Trà được phép hoạt động trên địa bàn 06 xã: Đại Phúc, Phương Thạnh, Bình Phú, Huyền Hội, huyện Càng Long và Lương Hòa, Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành. Hoạt động tín dụng của Quỹ TDND Phương Trà luôn ổn định. Đặc biệt, từ cuối năm 2019 đến nay, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của người dân, làm ảnh hưởng đến hoạt động của Quỹ TDND, nhưng Ban Giám đốc đã nỗ lực thực hiện các biện pháp và chủ động, tích cực phối hợp với các địa phương, vừa phòng, chống dịch Covid-19 trong nhân viên, vừa giám sát nguồn quỹ vay, kiểm tra kế hoạch, phương án sản xuất của đối tượng vay, nhằm đảm bảo an toàn nguồn vốn và giúp đối tượng vay sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Nói về nguồn vốn kịp thời hỗ trợ nông dân sản xuất, ông Nguyễn Hoàng Long, cán bộ tín dụng, phụ trách địa bàn cho biết: trong hoạt động tín dụng, không để xảy ra tình trạng mất khả năng chi trả; thẩm định xét duyệt cho vay, giải quyết cho vay nhanh, từ đó giảm chi phí và thời gian đi lại, tạo hài lòng, gắn bó của cán bộ tín dụng với khách hàng. Nguồn vốn vay tập trung cho phát triển kinh tế hộ nông thôn, phục vụ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn phát triển; là kênh cung ứng vốn, hạn chế và từng bước đẩy lùi tình trạng cho vay nặng lãi ở nông thôn, ổn định an ninh trật tự, giảm nghèo, XDNTM.

Khách hàng đến giao dịch tại Quỹ TDND Phương Trà.

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh CoVid-19 diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng đến nhiều mặt kinh tế, sản xuất của người dân. Đặc biệt, cây trồng chủ yếu tiêu thụ nội địa, làm cho nhiều loại trái cây nông sản giảm giá, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng nói chung. Do đó, nợ xấu của Quỹ TDND vẫn còn, tuy nhiên, kéo giảm hàng năm. Nguyên nhân nợ quá hạn chủ yếu do một số hộ làm ăn thất bại, đi làm ăn nơi khác dẫn đến trả nợ chậm; ngoài ra, do nguyên nhân khách quan như chăn nuôi dịch bệnh (heo, bò), lúa thất mùa do nhiễm mặn, kinh doanh ế ẩm của một số hộ nên chưa trả được.

Quỹ TDND đã có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vay vốn sản xuất kinh doanh, khắc phục do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và khô hạn, mặn xâm nhập, nhất là kết quả thực hiện theo dõi sát tình hình dịch bệnh và tình hình xâm nhập mặn tại địa phương. Phát huy những kết quả đạt được, Quỹ TDND Phương Trà sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn hỗ trợ từng thành viên vay vốn có biện pháp, kế hoạch sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nhằm khuyến khích sản xuất, kinh doanh, tái sản xuất và trả nợ như cam kết; đồng thời, xem xét đề nghị Hội đồng quản trị giảm lãi cho những thành viên gặp khó khăn, có thiện chí trả nợ, tương trợ thành viên giảm bớt khó khăn. Hoạt động đảm bảo đủ nguồn vốn cho vay tái sản xuất kinh doanh, an toàn; tuyên truyền, phổ biến cho nhân viên và thành viên Quỹ TDND vừa thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19, vừa hoạt động giải ngân, đáp ứng nhu cầu nguồn vốn cho người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Chi, Phó Giám đốc Quỹ TDND Phương Trà chia sẻ: Phần lớn, khách hàng vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Đơn cử như hộ ông Nguyễn Văn Hiện ngụ ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, ông đã mạnh dạn thực hiện quy hoạch hơn 01ha thanh long, để thực hiện kế hoạch, ông đã vay 400 triệu đồng, đến nay thanh long đã cho trái, ông bắt đầu thu hoạch và có kế hoạch trả vốn cho Quỹ TDND đúng theo cam kết tín dụng. Hay trường hợp của bà Kim Thị Ngọc Huệ, cùng ngụ ấp Đầu Giồng, xã Phương Thạnh, vay 150 triệu đồng để nuôi bò vỗ béo và sinh sản, đến nay, đàn bò 06 con. Lĩnh vực sản xuất, trường hợp của ông Nguyễn Minh Hải, ngụ ấp Nguyệt Trường, xã Phương Thạnh, vay 70 triệu đồng chăn nuôi và trồng màu. Nhờ nguồn vốn vay, không những giúp giảm nghèo bền vững, vươn lên khá, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Để hạn chế thấp nhất nợ xấu, tránh rủi ro trong hoạt động; Ban Giám đốc Quỹ TDND đã có kế hoạch tập trung thu nợ xấu và đầu tư cho vay với các biện pháp hiệu quả. Huy động vốn đến cuối tháng 5/2021, tổng nguồn vốn đạt 68,735 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động 63,148 tỷ đồng (huy động ngoài thành viên 19,686 tỷ đồng, trong thành viên 43,462 tỷ đồng), vốn tự có 4,187 tỷ đồng, vốn khác 1,533 tỷ đồng. Đến cuối tháng 5/2021, tổng dư nợ cho vay đạt 46,745 tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn 5,498 tỷ đồng, trung hạn 41,247 tỷ đồng. Hiện nay, Quỹ TDND áp dụng mức lãi suất theo quy định, nợ xấu chiếm 1,55%/tổng dư nợ.

Bài, ảnh: TRƯỜNG NGUYÊN

 

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online:
  • Hôm nay:
  • Trong tuần: 131
  • Tất cả: 285559