HTX nuôi nghêu Tiến Thành từng bước đa dạng sản xuất kinh doanh và phát triển thương hiệu
Long Hòa là xã đảo thuộc huyện Châu Thành, nằm cuối hạ nguồn sông Cổ Chiên, nửa năm nước ngọt nửa năm nước lợ. Với đặc thù nước lợ nên Long Hòa thích hợp cho nhiều loài thủy sản và nhuyễn thể như tôm, cua, cá, vọp, nghêu… trong đó con nghêu đã bén duyên với mãnh đất này trên dưới 15 năm.

Dần về phía hạ nguồn của xã Long Hòa là sự giao thoa, gặp gỡ giữa 2 nhánh sông Cổ Chiên và Cung Hầu (nhánh giáp Thạnh Phú – Bến Tre, nhánh giáp Cầu Ngang – Trà Vinh) hình thành một vùng bãi bồi, cồn cát với diện tích hơn 200 héc ta. Đây là món quà vô giá mà cửa Cổ Chiên và Cung Hầu đã ban tặng cho Long Hòa, trước khi hòa mình vào biển mẹ bao la.

Thấy được tiềm năng to lớn đó, ý Đảng lòng dân đã quyết, thế là Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành được thành lập. Con nghêu được đưa về đất Long Hòa nuôi vào năm 2005, với thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu phù hợp, hiệu quả từ những năm đầu tiên của loài nhuyễn thể này đem lại cho xã viên rất phấn khởi. Phát huy thắng lợi, hợp tác xã Tiến Thành tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, huy động vốn, phối hợp với Ngân hàng Chính sách huyện Châu Thành ưu tiên những bà con hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để tham gia cổ phần vào hợp tác xã; dần dần kiện toàn lại bộ máy quản trị đi vào hoạt động căn cơ, đầu tư thêm ghe tàu, phương tiện trông coi, tìm mua con giống có chất lượng tin cậy, tìm kiếm đầu ra để nâng giá trị thương phẩm của nghêu thịt.

     Thu hoạch nghêu

Ông Trần Văn Khiêm Trưởng Ban kiểm soát Hợp tác xã nuôi nghêu Tiến Thành cho biết: “Những năm đầu huy động vốn rất khó khăn, tâm lý bà con chưa lạc quan khi con nghêu còn quá mới mẽ khi đưa về nuôi ở Long Hòa, lo sợ rủi ro. Sau một thời gian nuôi và thu hoạch có lãi, dần dần công việc huy động vốn không còn khó khăn nữa, xã viên đầu tư cổ phần mạnh tay hơn”. Nghêu giống được hợp tác xã chọn lựa kĩ càng từ Bến Tre, Bạc Liêu, Vũng Tàu… kích cở từ 500-1000con/kg, Thời gian nuôi tính từ lúc thả giống đến khi thu hoạch xong một vụ nuôi kéo dài khoảng 2 năm, tỉ lệ hao hụt ước lượng khoảng 30%, nghêu đạt kích cở từ 50-60 con/kg sẽ xuất bán.

Để duy trì tính liên tục trong các vụ nuôi, Hợp tác xã chủ động thả nghêu gối vụ, phân lô chăn thả để đảm bảo năm nào cũng có nghêu xuất bán.Theo báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã Tiến Thành từ năm 2014 đến năm 2019, có 1.286 lượt xã viên tham gia góp vốn với tổng số tiền 12.352.400.000 đồng, với 42.132 cổ phần, thả 214.971 tấn nghêu giống, tổng doanh thu các năm gần 30 tỉ, chi phí đầu tư 24 tỉ, lãi khoảng 6 tỉ. Theo ông Phạm Văn Trường, chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã cho biết: “Tình hình nuôi nghêu các vụ không giống nhau,  những năm từ 2014 đến 2016 lãi tương đối cao, có vụ lãi gần 100%, tuy nhiên vụ nuôi 2017-2019 và vụ nuôi 2018-2020 nghêu bị nhiễm ký sinh trùng Peskinsus thiệt hại trên 90%, gây khó khăn rất lớn cho hợp tác xã”. Để khắc phục khó khăn, hợp tác xã đã báo cáo tình hình sản xuất đến các cơ quan chức năng và tiến hành đại hội xã viên để lấy ý kiến phương án tái đầu tư kinh doanh tiếp theo.”

Với tinh thần xây dựng, sự rủi ro trong chăn nuôi là điều không thể tránh khỏi, đa số xã viên đã thống nhất góp thêm vốn để tái đầu tư lại cho những vụ sản xuất tiếp theo với số tiền gần 5 tỉ đồng. Được biết hiện tại các bãi nghêu của hợp tác xã Tiến đã tiến hành thả 110 tấn nghêu giống đầu quý 2 năm 2020 và hiện đang phát triển tốt. Bên cạnh con nghêu là sản phẩm kinh doanh chủ lực, hợp tác xã mở rộng thêm các mặt hàng tôm càng xanh, cua, cá và định hướng phát triển du lịch từ năm 2022 đến 2025. 

Được sự quan tâm từ Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản đã hỗ trợ triển khai kế hoạch sản xuất lúa, gạo hữu cơ mang nhãn hiệu Long Hòa - Hòa Minh. Trong khuôn khổ nội dung Đề án “Xây dựng, bảo hộ và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lúa, gạo hữu cơ của huyện Châu Thành”.  Hiện hợp tác xã đang sản xuất khoảng 42ha (vụ lúa năm 2021 - 2022), trong đó 37ha đã có hợp đồng với các doanh nghiệp và 05ha đang được hợp tác xã tự tiêu thụ. Khi có đầu ra ổn định, phía hợp tác xã sẽ đảm bảo diện tích tham gia cung ứng sản lượng gạo hữu cơ cho các đối tác từ 200 - 300ha. Đại diện hợp tác xã kiến nghị Sở Khoa học và Công nghệ sớm triển khai và bàn giao mẫu mã, bao bì, logo, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể… để hợp tác xã bắt tay vào vận hành cho vụ lúa 2021 - 2022.



      Nông dân Lê Văn Triều ấp Rạch Sâu, xã Long Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh bón phân đón đòng ruộng lúa hữu cơ giống ST24

 

Ông Nguyễn Văn Huệ , phó chủ tịch hội đồng quản trị hợp tác xã Tiến Thành cho biết: “Xã Long Hòa với mô hình lúa hữu cơ đã sản xuất trên dưới 20 năm, vùng đấ này thích hợp với giống lúa ST5, sau này là ST24. Trước đây, lúa hữu cơ bà con ký hợp đồng với các công ty ở TP.HCM thu mua, vụ mùa năm 2021-2022, hợp tác xã Tiến Thành được sự quan tâm của các cấp, từng bước xây dựng thương hiệu gạo hữu cơ Long Hòa – Hòa Minh đưa ra thị trường để nâng tầm giá trị của hạt gạo nơi đây”.

Long Hòa, tiềm năng giá trị kinh tế còn rất cao, ngoài con nghêu, lúa hữu cơ nơi đây còn con tôm càng xanh, cua, tôm thẻ… nếu được các ngành các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng thương hiệu thì giá trị các thủy hải sản nơi đây còn vươn cao, vươn xa hơn.

Phạm Văn Luận
 

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 163
  • Trong tuần: 1 864
  • Tất cả: 283926