Hợp tác xã vận tải Tân Tiến: Doanh thu giảm do ít khách
Tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở lĩnh vực vận chuyển hành khách, vận tải hàng hoá trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 tiếp tục còn khó khăn, do ít hành khách, giá xăng dầu tăng cao, nên tình hình hoạt động ở lĩnh vực vận tải vẫn chưa khả quan.

Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, tình hình hoạt động của các phương tiện vận tải trong năm 2022 đang dần phục hồi. Qua ghi nhận của chúng tôi, phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ở lĩnh vực vận tải hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn do ít hành khách, giá xăng dầu tăng cao, nên chỉ duy trì hoạt động vận tải hành khách và hàng hóa mà số lượng không nhiều. Dù rất ít khách nhưng những tuyến xe vẫn lăn bánh trên đường nhằm duy trì vận hành đảm bảo thu nhập cho người lao động tham gia các chủ phương tiện xe.

Bà Nguyễn Thị Kiều Duyên (phải), chủ phương tiện vận tải hành khách làm thủ tục cho xe xuất bến.

Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Phước Minh, Giám đốc hợp tác xã vận tải Tân Tiến, Khóm 1, Phường 1, thị xã Duyên Hải cho biết: hiện hợp tác xã có 245 thành viên tham gia với 400 phương tiện xe vận tải hành khách, hàng hoá và xe hợp đồng với gần 500 tài xế. Từ sau khi bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tình hình hoạt động vận tải cũng như doanh thu của hợp tác xã giảm theo từng năm. Trong năm 2022, tuy hợp tác xã dần khôi phục hoạt động nhưng công suất không đạt tối đa như những năm trước. Từ đầu năm 2022 đến nay, các phương tiện vận tải hành khách đạt khoảng 2.118 chuyến, tổng doanh thu đạt gần 1,4 tỷ đồng, giảm gần 40% thu nhập so với những năm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19. Nguyên do một phần ít hành khách, có ngày không có hành khách, phần khác chi phí xăng dầu tăng cao nên doanh thu không đủ bù vào hoạt động vận tải, do đó, các phương tiện xe khách chỉ duy trì hoạt động ở những tuyến cố định; còn các phương tiện xe hợp đồng, xe vận tải hoạt động rất ít, phần lớn các chủ phương tiện này hoạt động khi khách hàng có nhu cầu.

Có thể nói, khi “cơn bão” dịch bệnh Covid-19 qua đi, các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh ngành vận tải tiếp tục chịu “sóng gió” về giá xăng dầu tăng cao dẫn đến chi phí đầu vào tăng vọt. Khi giá xăng dầu quay đầu giảm thì các phương tiện vận tải tiếp tục chịu thêm áp lực về thực hiện các thủ tục như hoá đơn điện tử, vé điện tử nên ảnh hưởng đến tiến độ xuất bến xe của các chủ phương tiện. Ông Ngô Phước Minh cho biết thêm: từ năm 2021 đến nay tình hình hoạt động ở lĩnh vực vận tải trong cả nước nói chung và của tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn, nhất là phương thức thanh toán bằng hoá đơn điện tử, vé điện tử. Đến nay hợp tác xã đã kích hoạt thành công phương thức thanh toán bằng hoá đơn điện tử trong lĩnh vực vận tải; riêng vé điện tử hợp tác xã đang triển khai thực hiện tuy nhiên vẫn chưa đồng bộ. Không chỉ vậy, khó khăn hiện nay của hợp tác xã tiếp tục thực hiện truyền dữ liệu lệnh vận chuyển, hợp đồng vận chuyển hành khách về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam theo Công văn số 209/SGTVT-VT, ngày 21/11/2022 của Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Trà Vinh. Đây là một trong những nguyên nhân gây áp lực không nhỏ cho các phương tiện hoạt động vận tải, trong khi đó, hợp tác xã đang thiếu nguồn nhân sự thực hiện các thủ tục trên, mà doanh thu của hợp tác xã trong năm 2022 giảm không đủ chi phí tuyển thêm nhân sự. Trước những khó khăn chung, trước mắt hợp tác xã điều tiết nhân lực để thực hiện đồng bộ về vé điện tử, nhất là vào thời điểm Tết, nhu cầu đi lại của người dân trước, trong và sau Tết tăng cao, do đó, hợp tác xã không chỉ cố gắng thực hiện đồng bộ vé điện tử, mà còn thực hiện hoàn chỉnh truyền dữ liệu lệnh vận chuyển về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện vận tải phục vụ người dân thuận tiện đi lại nhằm tăng doanh thu của hợp tác xã, tăng thu nhập cho người lao động vào dịp cuối năm.

Công văn số 209/SGTVT-VT nhằm đảm bảo thực hiện việc cung cấp thông tin, dữ liệu Lệnh vận chuyển về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam theo quy định tại khoản 8, Điều 4 của Nghị định số 10/2020/NĐ-CP, ngày 17/01/2022 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều khiển kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Thời gian hoàn thành việc kết nối và thực hiện truyền dữ liệu về máy chủ của Cục Đường bộ Việt Nam trước ngày 15/12/2022.

Đối với các bến xe ô tô khách phải trước ngày 01/7/2020, đối với các bến xe khách từ loại 1 đến loại 4 và trước ngày 01/7/2021 đối với các bến xe còn lại phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (tên bến xe, tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, tuyến hoạt động, giờ xe xuất bến, số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Cục Đường bộ Việt Nam.

Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe hợp đồng, từ ngày 01/7/2022, trước khi xe xuất bến doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định thực hiện cung cấp nội dung (tên bến xe, tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, tuyến hoạt động, giờ xe xuất bến, số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên Lệnh vận chuyển qua phần mềm của Bộ Giao thông - Vận tải.

Trước ngày 01/7/2022, các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt, phải cung cấp thông tin (tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải, họ và tên lái xe, biển kiểm soát xe, tuyến hoạt động, giờ xe xuất bến) trên Lệnh vận chuyển của từng chuyến thông qua phần mềm của Bộ Giao thông - Vận tải.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 24
  • Trong tuần: 220
  • Tất cả: 285504