Quỹ Tín dụng Nhân dân: Tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số
Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, lĩnh vực Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND) được đánh giá là tiên phong, góp phần tạo thuận lợi cho khách hàng, chính xác, an toàn trong hoạt động. Thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh đã chủ động, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ quản lý QTDND về nghiệp vụ kế toán, kỹ năng quản lý tài chính… nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, hoạt động hiệu quả.

Hiện toàn tỉnh có 16 QTDND, với 19.636 thành viên, chủ yếu là hộ sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ, buôn bán nhỏ. Trong đó, lao động thường xuyên 175 người, đa số các QTDND hoạt động hiệu quả, đầu tư vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, tạo việc làm cho lao động nông thôn. Hiện tổng nguồn vốn hoạt động hơn 1.364 tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay hơn 1.008 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả như trên, ngoài những nỗ lực quyết tâm phấn đấu của toàn thể cán bộ nhân viên quỹ, sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sát sao của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Trà Vinh, sự giúp đỡ của của các ban, ngành có liên quan, còn có sự đóng góp không nhỏ của Liên minh HTX tỉnh, những khó khăn vướng mắc được LMHTX phối hợp cùng các cơ quan chức năng có thẩm quyền từng bước tháo gỡ, tạo điều kiện để QTDND hoạt động hiệu quả.

Nhân viên của QTDND xã Song Lộc, Châu Thành trong giờ làm việc.

Nhìn lại hoạt động của QTDND giai đoạn 1995-2005, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, các QTDND trên địa bàn tỉnh thực hiện quản lý kế toán và các công việc khác chủ yếu là thủ công, mất nhiều thời gian, độ chính xác không cao, nhiều rủi ro trong quản lý, làm thất thoát tài sản ở một số QTDND, giai đoạn đó chỉ có một số QTDND dùng máy tính để soạn thảo văn bản và ứng dụng chương trình office để quản lý hoạt động, nhưng hiệu quả không cao. Từ năm 2006 đến nay, một số phần mềm quản lý QTDND ra đời, thúc đẩy và tạo điều kiện hoạt động ngày càng hiệu quả.

Ông Vương Quốc Tuấn, thành viên HĐQT QTDND xã Song Lộc chia sẻ: Chương trình kiểm tra khách hàng qua hệ thống CIC (Credit Information Center - Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam) của QTDND hiệu quả, giúp kiểm tra CIC của từng khách hàng trước khi kiểm duyệt cho vay là điều cần thiết. CIC thực hiện chức năng lưu trữ thông tin lịch sử giao dịch, đây là nguồn dữ liệu để cán bộ tín dụng kiểm tra tình trạng giao dịch của người vay vốn.

Xác định tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ vào quản lý hoạt động, các QTDND đã tập trung đầu tư trang bị phần mềm đưa vào hoạt động, hiệu quả công việc nâng lên, tốc độc giải quyết công việc nhanh, quản lý tài sản và con người chặt chẽ và khoa học. Điển hình như phần mềm quản lý QTDND xã Song Lộc, huyện Châu Thành. Theo ông Lê Hữu Tính, Giám đốc Quỹ TDND xã Song Lộc, huyện Châu Thành: hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số, QTDND Song Lộc quan tâm đến chuyển đổi số gắn với đào tạo cán bộ tín dụng đạt chuẩn về công nghệ thông tin. Theo đó, QTTDN Song Lộc đã triển khai dịch vụ thanh toán chuyển tiền điện tử CF-eBank cho khách hàng hiệu quả; việc áp dụng phương thức thanh toán này, có ý nghĩa quan trọng nhằm thực hiện chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt, giúp “kết nối nông thôn - thành thị”, gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn của Quỹ giữa các cá nhân, hộ cũng như các dịch vụ thanh toán văn minh, hiện đại; đặc biệt, an toàn trong vận chuyển tiền mặt.

Ngày 11/5/2021 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 810/QĐ-NHNN phê duyệt “Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, có nhiều vấn đề đặt ra có liên quan đến chuyển đổi số mà hoạt động QTDND phải thực hiện theo lộ trình và xu thế phát triển. Tuy nhiên, phát triển các mô hình ngân hàng số, gia tăng tiện ích, trải nghiệm khách hàng và thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện, phát triển bền vững trên cơ sở thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong quản trị điều hành và cung ứng sản phẩm, dịch vụ theo hướng tự động hóa quy trình, tối ưu hóa hoạt động nghiệp vụ… thì “lực” của một ít QTDND trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng; đây là vấn đề cần được tháo gỡ.

Với mục đích là tương trợ thành viên, năm 2022, hoạt động QTDND trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ; mặc dù mô hình tổ chức tín dụng có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn ít, nhưng vẫn phát huy, cùng với địa phương thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững, XDNTM. Đặc biệt, quyền lợi và đời sống của thành viên ngày càng nâng cao. Qua thực tế, hoạt động tại 16 QTDND trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đều tăng trưởng vững chắc. Quỹ đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động, thực hiện tốt vai trò là cầu nối, trợ giúp cho ở cơ sở, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, hạn chế cho vay nặng lãi. Quỹ thường xuyên hỗ trợ vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần quan trọng vào tái cơ cấu nông nghiệp, nông thôn, cũng như XDNTM theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Để hòa chung với xu thế phát triển về ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức, hoạt động của các QTDND trong tỉnh, các QTDND đang tập trung chuyển đổi số theo hướng hiệu quả, chính xác, giúp tăng trưởng, phục vụ nhu cầu vốn cho người dân.

Bài, ảnh: TN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 4
  • Trong tuần: 202
  • Tất cả: 285509