Tiểu Cần: tiếp tục quan tâm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
Năm 2020 đề án tái cơ cấu kinh tế được huyện Tiểu Cần tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có chuyển biến tích cực, nhất là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…Nhờ đó trong năm dù tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở mức cao và thời tiết bất thường gây bất lợi không nhỏ cho cho sản xuất, nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn đạt được mức tăng trưởng khá, góp phần ổn dịnh đời sống nông dân và phát triển kinh tế địa phương. Đây là nền tảng quan trọng để huyện Tiểu Cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác này trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Lãnh đạo UBND huyện trực tiếp chỉ đạo theo dõi độ mặn để có biện pháp ứng phó ở vụ Đông - Xuân

Năm 2020 tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện Tiểu Cần ước đạt 6.855 tỷ đồng, tăng 6,58% so cùng kỳ. Trong đó nông nghiệp ước đạt 2.271 tỷ đồng, đạt 85,41% so với kế hoạch và tăng 0,20% so cùng kỳ. Năm 2020 huyện Tiểu Cần tiếp tục vận động, khuyến khích nông dân nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó trong năm nông dân trên địa bàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.937 ha đất trồng lúa kém hiệu quả, đất trồng mía, đất trồng cây hàng năm sang trồng các loại cây trồng khác như bắp, rau màu các loại, cây ăn trái, dừa và trồng cỏ nuôi bò. Huyện tiếp tục duy trì và củng cố 08 điểm mô hình cánh đồng lớn sản xuất lúa liên kết theo chuỗi giá trị với diện tích 1.924,5 ha; xây dựng 02 mô hình sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích 0,6 ha ở xã Phú Cần và Hiếu Trung; mô hình trồng dừa hữu cơ ở các xã Tân Hòa, Tập Ngãi, Tân Hùng, Ngãi Hùng với diện tích hơn 558,7 ha; mô hình bưởi da xanh của hợp tác xã (HTX) bưởi da xanh Hùng Hòa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 27,6 ha. Trong năm qua huyện còn tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng, vật nuôi, chỉ đạo thực hiện công tác tiêm phòng, tiêu độc, khử trùng chuồng trại chăn nuôi và công tác tuyên truyền tập huấn, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi cũng được quan tâm thực hiện, từ đó tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi của huyện được kiểm soát.

Tỷ lệ sử dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch lúa ngày càng tăng

Ngoài ra trong năm 2020 kinh tế hợp tác và HTX tiếp tục được huyện quan tâm chỉ đạo thực hiện. Toàn huyện hiện có 12 HTX liên quan lĩnh vực nông nghiệp với 1.808 thành viên, vốn điều lệ 8,13 tỷ đồng, qua đánh giá cuối năm có 02 HTX hoạt động khá, 10 HTX hoạt động trung bình; có 133 tổ hợp tác (THT) thành lập theo Nghị định 151 của Chính phủ với 3.747 thành viên, qua đánh giá có 11 tổ hoạt động mạnh, 17 tổ hoạt động khá, 97 tổ trung bình và có 08 tổ ngưng hoạt động. Về kinh tế trang trại, hiện trên địa bàn huyện có 19 hộ chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại theo thông tư số 27/2011/TT – BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó có 11 hộ được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chí kinh tế trang trại. Trong năm huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng mỗi xã một sản phẩm; tổ chức lễ công bố quyết định công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu lần thứ I năm 2020 huyện Tiểu Cần, trong đó sản phẩm mật hoa dừa của công ty TNHH Trà Vinh Farm đạt giải nhất và sản phẩm kẹo đậu phộng của của cơ sở Cẩm Phát đạt giải nhì. Ngoài ra huyện còn đăng ký nhu cầu hỗ trợ chi phí đăng ký nhãn hiệu cho 05 sản phảm tham gia chương trình OCOP năm 2020.

Nhằm góp phần tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện, năm 2021 và những năm tiếp theo huyện Tiểu Cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm nông sản chủ lực của huyện như lúa, dừa, bưởi da xanh. phấn đấu xây dựng mỗi xã, thị trấn một sản phẩm đặc trưng, có nhãn hiệu, thương hiệu; phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ theo hướng VietGap, GLobalGAP ứng dụng công nghệ cao gắn với chỉ dẫn địa lý, nguồn gốc sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục duy trì và phát triển quy mô các mô hình cánh đồng lớn trồng lúa, thâm canh mở rộng diện tích cây dừa, cây ăn trái; tiếp tục thực hiện kế hoạch tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi theo hướng tập trung an toàn, quản lý chặt chẽ dịch bệnh; đẩy mạnh phát triển vùng nuôi thủy sản theo nhiều hình thức đa dạng các đối tượng nuôi nước ngọt có giá trị kinh tế cao. Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ HTX, nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả và có giải pháp nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh phát triển các loại hình doanh nghiệp, khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo thành phong trào rộng khắp trên địa bàn huyện; đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp và kinh tế nông thôn.

Vận động nông dân chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả thấp sang các loại cây trồng khác

Hoạt động thu mua và sơ chế dừa trái của HTX nông nghiệp Rạch Lọp xã Tân Hùng

Bài, ảnh: Khắc Phú

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 204
  • Tất cả: 285488