Bản chất Tổ chức Hợp tác xã: Cơ sở Quyết định cho việc hoàn thiện Nghị quyết của Đảng về Kinh tế hợp tác và Quy định Pháp luật về Hợp tác xã
Hợp tác xã đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển của nhân loại không chỉ về kinh tế, mà còn tạo sự hài hòa về kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt tạo nên những giá trị định hướng vững chắc cho tiến bộ xã hội, cùng với các tổ chức phi lợi nhuận hợp thành khu vực thứ 3 của nền kinh tế các quốc gia, bao gồm: khu vực công, khu vực tư và khu vực hợp tác xã, tổ chức phi lợi nhuận.

Đảng và Nhà nước ta coi khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là chủ trương xuyên suốt qua tất cả các nhiệm kỳ từ trước đến nay, phù hợp với trào lưu chung của thế giới. Kinh tế tập thể, hợp tác xã đã có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân.

Tuy nhiên, đang có rất nhiều khó khăn đặt ra đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta. Đóng góp của kinh tế tập thể vào nền kinh tế liên tục giảm sút qua các năm, tốc độ tăng trưởng rất thấp, hiệu quả hoạt động kém. Một trong những nguyên nhân chủ yếu cho tình hình trên là nhận thức về bản chất hợp tác xã chưa đúng, chưa đầy đủ và chưa thống nhất, chưa quán triệt chủ trương của Đảng về bản chất hợp tác xã đã được nêu tại Nghị quyết của Đảng và quy định pháp luật về hợp tác xã, nhất là Luật Hợp tác xã 2012.

Nhằm giúp bạn đọc hiễu rõ hơn về bản chất thực sự của Hợp tác xã, Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh xin trân trọng giới thiệu một số nội dung trong bài nghiên cứu “Bản chất tổ chức hợp tác xã: cơ sở quyết định cho việc hoàn thiện nghị quyết của đảng về kinh tế hợp tác và quy định pháp luật về hợp tác xã” của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tú, Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác xã- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2004-2016).

Bài 1: Đi tìm bản chất thực của Hợp tác xã

Theo Luật HTX năm 2012 tại khoản 1 Điều 3: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

Định nghĩa về HTX này về cơ bản phù hợp với nhận thức của thế giới, của các nước và theo khuyến cáo của Liên minh HTX quốc tế (ICA), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Liên hợp quốc (UN) về HTX. Luật HTX các nước dù được trình bày dưới nhiều hình thức, biểu đạt khác nhau, nhưng đều có nhận thức chung giống nhau về bản chất tổ chức HTX với những nội dung cơ bản được trình bày sau đây:

+ Các thành viên tham gia HTX nhằm mục đích lợi ích từ lợi ích chung đạt được qua hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã. Nói cách khác, HTX cung cấp dịch vụ cho thành viên, mang lại lợi ích cho thành viên.

+ Lợi ích là giá trị vật chất hoặc tinh thần tác động trực tiếp tới đời sống hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên thông qua thỏa mãn nhu cầu chung của thành viên, luôn đi kèm sản phẩm, dịch vụ theo nhu cầu của thành viên, như: được sử dụng sản phẩm, dịch vụ mà đơn lẻ thành viên không có được, tiết kiệm chi phí mua hàng hóa, dịch vụ, mua được hàng hóa có chất lượng, chủng loại, mẫu mã theo nhu cầu, tăng được doanh thu/thu nhập, tiết kiệm chi phí khi bán hàng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm, dịch vụ, v.v.

Ví dụ:

-  Các nông dân đơn lẻ có nhu cầu chung về  một số sản phẩm, dịch vụ đầu vào cần thiết cho sản xuất nông nghiệp nhưng không thể mua được hoặc phải mua giá đắt, chất lượng kém, nay tập hợp lại trong HTX, được HTX cung ứng với giá rẻ hơn; hoặc được HTX cung ứng dịch vụ tiêu thụ nông sản với giá cao hơn.

- Các hộ gia đình tại một địa bàn xã có thể chia sẻ, đọc chung nhiều loại sách, báo, tạp chí thông qua góp vốn thành lập thư viện chung là HTX. Nhờ vậy, chi phí rẻ hơn.

+ Thành viên góp vốn (dưới hình thức tiền, nếu là tài sản dưới các hình thức khác nhau thì phải quy ra tiền) vào vốn điều lệ HTX khi tham gia HTX.

+ Giao dịch giữa HTX và thị trường: để tạo dịch vụ của mình cung cấp cho thành viên, HTX phải tiến hành sản xuất, kinh doanh, trong đó có giao dịch với thị trường, đầu tư tạo ra cơ sở sản xuất, kinh doanh của mình (tùy vào tính hiệu quả của đầu tư) để cung cấp dịch vụ đã cam kết với thành viên.

+ Giao dịch nội bộ HTX được hình thành trên cơ sở nhu cầu chung từ đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên. HTX tiến hành sản xuất, kinh doanh tạo ra dịch vụ cung cấp cho các thành viên nhằm thỏa mãn nhu cầu chung của họ thông qua giao dịch nội bộ: Mua hoặc Bán sản phẩm/ dịch vụ với thành viên trên cơ sở giá/phí nội bộ.

Nói cách khác, HTX là tổ chức mà thành viên sử dụng dịch vụ của hợp tác xã nhằm mục đích lợi ích cho chính mình phù hợp với chủ trương của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 và theo cách trình bày của nhiều nước; quan điểm về bản chất tổ chức HTX tại NQTW 5 Khóa IX về cơ bản là phù hợp với bản chất HTX được cả thế giới thừa nhận.

Giá sản phẩm, dịch vụ trong giao dịch nội bộ có thể thiết lập bằng 2 cách: (i) Thiết lập giá nội bộ đối với sản phẩm, dịch vụ được giao dịch giữa HTX với thành viên, đã đươc tính toán lợi ích của thành viên, chi phí và lãi của HTX; (ii) Thiết lập phí sử dụng dịch vụ của HTX (bao gồm chi phí hoạt động và lãi cho HTX). Giá nội nội bộ hoặc phí sử dụng dịch vụ phải thấp nhất có thể đối với trường hợp HTX cung cấp dịch vụ cung ứng, và  cao nhất có thể đối với trường hợp HTX cung cấp dịch vụ tiêu thụ cho thành viên.

Nhưng, giao dịch nội bộ HTX không chỉ tạo ra lợi ích tính bằng tiền thông qua giá/phí dịch vụ (tức giá mua và bán sản phẩm, dịch vụ giưa HTX và thành viên) như đã nêu ở trên, mà còn tạo ra lợi ích khác, như: lợi ích vật chất (sản phẩm, dịch vụ), chất lượng, mẫu mã, chủng loại, thông tin, tri thức, v.v. thuộc hoàn toàn về thành viên.

Lợi ích của thành viên luôn gắn liền với việc sử dụng dịch vụ của hợp tác xã cung cấp cho thành viên- tức gắn liền với sản phẩm, dịch vụ được HTX đáp ứng, từ đó giúp cải thiện đời sống của thành viên, giảm chi phí, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của thành viên, góp phần tăng thu nhập, tăng lợi nhuận của hoạt động kinh tế của thành viên.

Giao dịch nội bộ là khâu cuối của chu trình hoạt động của HTX không nhằm mục đích kinh doanh, lợi nhuận mà nhằm mục đích lợi ích cho thành viên*. Lợi ích phát sinh từ việc  HTX cung cấp dịch vụ cho thành viên, là khoản chênh lệch giữa giá thị trường với giá nội bộ hoặc phí dịch vụ, theo nguyên tắc: HTX bán/hoặc giúp thành viên mua với giá “rẻ” nhất và mua/hoặc giúp thành viên bán với giá “đắt” nhất đối với sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, kinh doanh của thành viên. Mức độ “rẻ”, “đắt” này là do cộng đồng thành viên thỏa thuận với nhau sao cho phần lớn lợi ích được trả về thành viên và một phần nhỏ được dành lại cho HTX tích lũy phát triển. Nguyên tắc này chỉ có trong HTX, mà không có trong DN, nó trái với mục đích kinh doanh của DN (mua phải rẻ nhất, bán phải đắt nhất). Mua từ HTX càng rẻ thì thành viên tiết kiệm (tiền mặt) càng lớn chi phí sản xuất, chi phí đầu vào sản xuất, đời sống của mình; bán càng đắt thông qua HTX thì thành viên gia tăng càng lớn doanh thu/lợi nhuận từ việc bán hàng qua HTX, từ đó giúp thành viên cải thiện chất lượng sống hoặc nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình. Thành viên tạo ra doanh thu (để HTX bù đắp chi phí) và lãi cho HTX; Lợi ích cho thành viên từ HTX mà tăng lên thì lãi của HTX giảm xuống. Ngược lại, lãi của HTX tăng lên thì lợi ích của thành viên giảm đi. Lãi của HTX hình thành từ lợi ích của thành viên, được thành viên trả tiền mặt cho HTX. Như vậy, Lợi ích và lãi/lợi nhuận là hai phạm trù đối ngược nhau, xung khắc nhau. Hai mục tiêu lợi ích và lợi nhuận là nghịch nhau, không thể cùng tồn tại trong HTX. Trong trường hợp DN, thì không còn “lợi ích” vì thành viên chỉ còn góp vốn mà không sử dung dịch vụ của DN, nên chỉ còn lợi nhuận.

Ngoài lợi ích về giá, phí, HTX còn có thể tạo ra lợi ích về sản phẩm, phẩm, dịch vụ (vật chất), chất lượng, mẫu mã sản phẩm, dịch vụ, và các lợi ích khác theo nhu cầu chung của thành viên. Nhu nhu cầu chung của thành viên có thể bao gồm nhiều lợi ích khác nhau. Chỉ thành viên HTX mới được hưởng lợi ích từ HTX.

Doanh thu của HTX được hình thành từ giao dịch nội bộ trong HTX, tức từ khối lượng giao dịch nội bộ thông qua mua/ bán sản phẩm, dịch vụ giữa HTX và thành viên nhân với giá nội bộ hoặc giá gốc/phí. Nói cách khác, thành viên với tư cách khách hàng tạo ra nguồn thu, trong đó có lãi cho HTX.

Như vậy, thành viên giao dịch với HTX càng nhiều thì càng có nhiều lợi ích và càng có nhiều đóng góp cho sự phát triển HTX thông qua doanh thu và lãi của HTX, đặc biệt là gia tăng quy mô kinh tế, quỹ tích lũy đầu tư phát triển; đồng thời, đặt ra yêu cầu sống còn là HTX phải mở rộng dịch vụ, mở rộng kết nạp rộng rãi thành viên để tồn tại và phát triển. Qua giải thích nêu trên, thấy rõ ý nghĩa quyết định của vai trò khách hàng của thành viên, không phải vai trò góp vốn của họ trong HTX.

Như vậy, chỉ những thành viên sử dụng dịch vụ của HTX mới là thành viên thực sự và duy nhất của HTX. HTX không thể có các thành viên loại khác, như nhà đầu tư: góp vốn, hưởng lãi; người lao động trong HTX; người/đơn vị sử dụng dịch vụ: sử dụng dịch vụ , hưởng lợi từ giá; v.v. Khi thành viên có nhu cầu chuyển nhượng vốn và tư cách thành viên thì cũng phải tuân theo nguyên tắc là người nhận chuyển nhượng phải là khách hàng sử dụng dịch vụ của HTX. Thành viên mà không sử dụng dịch vụ của HTX cũng cần chấm dứt tư cách thành viên.

Khoản thặng dư hay còn gọi là lãi của HTX hình thành từ doanh thu của HTX phát sinh trong giao dịch với thành viên, là khoản chênh lệch từ doanh thu giao dịch nội bộ của HTX với thành viên trừ đi chi phí hoạt động của HTX, một phần đưa vào quỹ tích lũy đầu tư, quỹ dự trữ tài chính và các quỹ khác; phần còn lại được phân phối cho thành viên. Lãi của HTX chính là khoản tiền thành viên lấy trả cho HTX thông qua giá nội bộ hoặc phí sử dụng dịch vụ của HTX.

Như vậy, nguồn gốc lãi của HTX và lợi ích của thành viên đều từ một nguồn sinh ra từ nguồn doanh thu của HTX với thành viên,  là chênh lệch giá giữa giá nội bộ và giá thị trường của sản phẩm, dịch vụ trong giao dịch nội bộ HTX. Lãi của HTX tăng lên thì lợi ích của thành viên giảm đi do được chuyển sang lãi/lợi nhuận; ngược lại, lãi của HTX giảm đi thì lợi ích của thành viên tăng lên; lợi ích cực đại thì lãi bằng 0; lợi ích bằng 0 thì lãi cực đại và trở thành lợi nhuận. Mức lãi bao nhiêu là do cộng đồng thành viên quyết định qua giá nôi bộ hoặc phí sử dụng dịch vụ. Do mục đích của HTX là lợi ích cho thành viên, nên lợi ích cho thành viên phải tối đa; lãi cho HTX chỉ còn là phần nhỏ. Do vậy, việc phân phối thu nhập phải tuân thủ nguyên tắc là chia chủ yếu theo mức độ sử dụng dịch vụ của HTX; còn phân chia cụ thể thế nào thì do HTX quy định cho phù hợp từng loại hình, ngành nghề, v.v. Luật HTX quy định phổ biến như vậy. Ví dụ, đối với HTX của người tiêu dung với số lượng lớn thành viên (FairPrice của Singapore), họ chia lợi ích một lần vào giá dịch vụ, không chia vào cuối năm. Nhưng có HTX chỉ chia một phần vào lợi ích cho từng đợt giao dịch, cuối năm mới kết toán chia hết phần còn lại,…

Nhu cầu lợi ích của thành viên là lâu dài. Để duy trì sự bền vững của lợi ích cho thành viên, HTX cũng cần được duy trì và phát triển bền vững. Do vậy, mức lãi nhỏ hàng năm của HTX cần được tích lũy lâu dài qua nhiều năm tháng, qua nhiều thế hệ thành viên phục vụ cho đầu tư phát triển. Từ đó phát sinh ra nhu cầu về quỹ tích lũy không chia và tài sản không chia[1] của HTX trong suốt quá trình hoạt động của HTX. Do đã nhận lợi ích lớn từ HTX, nên thành viên sẵn sàng trích phần nhỏ lợi ích của mình chuyển thành lãi cho HTX phục vụ cho tích lũy lâu dài đầu tư phát triển của HTX. Đó chính là sự hợp tác, giúp đỡ cho chính mình và của các thế hệ trước dành cho các thế hệ mai sau của thành viên. Tài sản chung và quỹ tích lũy không chia, về mặt chính trị, xã hội, là chất kết dính sâu sắc và bền vững giữa các thành viên HTX, từ đó lan tỏa ra xã hội, tạo nên bản sắc, cơ sở vật chất cho Chủ nghĩa xã hội[2], được rất nhiều nước áp dụng.

Lãi của HTX bao gồm 2 phần: phần cho tích lũy đầu tư phát triển và phần chia cho thành viên. Phần chia cho thành viên, nếu theo mức độ sử dụng dịch vụ thì không cần thiết thay vì để lại lợi ích cho thành viên; nếu chia theo mức vốn góp thì có thể xảy ra xung đột giữa thành viên góp vốn ít hơn nhưng tạo ra nhiều doanh thu hơn, nhiều lãi hơn cho HTX (do giao dịch nhiều với HTX) và thành viên tuy góp vốn lớn hơn trong HTX, nhưng tạo doanh thu thấp hơn, lãi ít hơn cho HTX (do giao dịch thấp với HTX).

Sự trình bày ở trên làm nổi bật rõ vai trò khách hàng của thành viên đối với HTX so với vai trò vốn góp vì chính thành viên tạo ra doanh thu và lãi cho HTX song song với việc tạo lợi ích cho thành viên; đồng thời nó giải thích rõ vì sao trong giai đoạn đầu phong trào HTX thế giới, HTX không huy động vốn góp điều lệ, giai đoạn sau này chỉ huy động vốn góp điều lệ ở mức thấp, bằng nhau hoặc tương đương nhau, hoặc thực hiện quyền biểu quyết theo mức độ sử dụng sản phẩm của HTX. HTX với bản chất của mình như được trình bày tại Luật HTX 2012 vì luôn có khách hàng nên nhu cầu về vốn không phải là khó khăn lớn; vốn nằm ở doanh thu của HTX từ giao dịch với thành viên, nằm ở thành viên nếu HTX có nhu cầu huy đông them.

Một trường hợp đặc biệt của HTX

+ Có một trường hợp đặc biệt xảy ra khi nhu cầu chung của các thành viên, ví dụ, không phải là sản phẩm, dịch vụ thông thường, như giống cây/con, phân bón thuốc trừ sâu- đầu vào thiết yếu của sản xuất nông nghiệp thành viên, mà là sức lao động, dịch vụ và lợi ích mà HTX mang lại cho thành viên là việc làm và thu nhập.

Từng thành viên đơn lẻ không thể tự tạo việc làm, từ đó có thu nhập để sinh tồn, cũng không thể thành lập DN theo Luật DN do thiếu vốn, các kiến thức, kỹ năng cần thiết hoặc các lý do khác. Nhưng, nhiều thành viên hợp tác với nhau lập nên HTX, theo đó mỗi người góp một ít vốn và góp sức lao động với những kiến thức, kỹ năng cần thiết đối với mỗi việc làm phù hợp với ngành nghề kinh doanh được HTX lựa chọn; mỗi thành viên đảm nhận một vị trí công việc trong HTX tùy theo năng lực của mình. Như vậy, thành viên có nhu cầu chung là bán sức lao động của mình cho HTX; HTX cung cấp dịch vụ cho thành viên là việc làm, kèm theo lợi ích- tức thu nhập cho thành viên của mình. HTX đặc biệt này được gọi là HTX tạo việc làm (theo cách gọi của Luật HTX 2012 của Việt Nam) hoặc được gọi là HTX của người lao động, của người làm thuê (Luật HTX của nhiều nước khác). Thành viên vừa là chủ sở hữu vừa là người lao động trực tiếp thường xuyên lâu dài của HTX[3].

Mục đích cuối cùng của HTX loại này là phải tạo việc làm bền vững và thu nhập tốt nhất cho thành viên. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, HTX luôn phải cố gắng duy trì việc làm/thu nhập cho thành viên; trong khi đó, DN vì mục tiêu lợi nhuận dễ dàng sa thải lao động, hoặc giảm tối đa tiền công/tiền lương với tư cách là một bộ phận của chi phí sản xuất, kinh doanh.

Nhìn bề ngoài loại hình HTX tạo việc làm giống với mô hình DN, chỉ khác biệt ở cơ cấu bên trong, là: đối với HTX, phần lớn/tất cả người lao động thường xuyên, lâu dài trong HTX đồng thời là chủ sở hữu HTX với vốn góp bằng nhau hoặc tương tự nhau; còn đối với DN thì thành viên không bắt buộc phải đồng thời là người lao động trong DN và việc góp vốn không bị hạn chế Chính cơ chế “kép” (đồng sở hữu đồng là người lao động trong HTX) cho phép HTX duy trì bền vững việc làm cho người lao động, thay vì sa thải dễ dàng như ở DN; đồng thời nâng lên tối đa mức tiến công/tiền lương của người lao động trong HTX, thay vì giảm đi tối đa với tư cách là chi phí sản xuất để tăng lợi nhuận như ở DN.

Lợi ích chính mà HTX đem lại cho thành viên là thu nhập đi kèm việc làm trong HTX. Ngoài lợi ích chủ yếu này, thành viên còn được nhận một phần lãi của HTX theo vốn góp.

Sự khác nhau về bản chất giữa tổ chức HTX và DN*

Sự trình bày ở trên đã phần nào thể hiện rõ những đặc điểm giống nhau và khác nhau căn bản giữa tổ chức HTX và DN. Xin tổng hợp gọn lại như sau:

Những điểm giống nhau giữa HTX và DN

-       Đều là pháp nhân thương mại;
-       Đều hoạt động bình đẳng trên thị trường;
-       Đều có giao dịch với thị trường.
-       Đều tự chủ, tự chịu trách nhiệm
-       Thành viên tham gia đều tự nguyện
-       Thành viên đều góp vốn

Những điểm khác nhau

Mục đích cuối cùng của HTX là lợi ích đem lại cho thành viên, không vì mục tiêu lợi nhuận, nhưng HTX vẫn phải hoạt động có hiệu quả, tạo nên một phần lợi nhuận để bảo toàn vốn và tích lũy đầu tư phát triển bền vững lâu dài; mục đích của thành viên tham gia HTX là lợi ích; lợi ích luôn gắn liền với sản phẩm, dịch vụ cụ thể trong giao dịch nội bộ với HTX. Như vậy, HTX không có mục đích tự thân.

Mục đích cuối cùng của DN là lợi nhuận (tiền), tức DN có mục đích tự thân; mục đích của thành viên tham gia DN là lợi nhuận (tiền).

DN chỉ có 1 loại giao dịch kinh tế với thị trường, không có thị trường nội bộ.

HTX có hai loại giao dịch: ngoài giao dịch thị trường (với tư cách là phương tiện) để giúp HTX tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo ra dịch vụ cung cấp cho thành viên, HTX còn có giao dịch nội bộ HTX (với tư cách là mục đích) thông qua mua hoặc bán sản phẩm, dịch vụ với thành viên. Trong giao dịch nội bộ, HTX thực hiện nguyên tắc mua đắt/bán rẻ với thành viên so với giá thị trường (trái với mục đích kinh doanh thông thường của thị trường: mua rẻ/bán đắt) để tạo ra lợi ích cho thành viên. Việc “đắt”, “rẻ” của giao dịch nội bộ đến mức nào là do cộng đồng thành viên HTX quyết định với tư cách kép: vừa là đồng sở hữu vừa là khách hàng của HTX trên nguyên tắc: vừa mang lại lợi ích cao nhất cho thành viên, nhưng vẫn vừa bảo đảm hoạt động an toàn và tích lũy đầu tư cho phát triển bền vững của HTX; mức độ “đắt”, “rẻ” chính là lợi ích mà HTX tạo ra.
Đối với HTX thì thành viên vừa là người góp vốn đồng sở hữu, đồng thời là khách hàng của HTX- tức người sử dụng dịch vụ của HTX, giao dịch sản phẩm, dịch vụ với HTX. Thành viên không phải là nhà đầu tư, cổ đông với mục đích lợi nhuận trong HTX.

Đối với DN, thành viên chỉ là người góp vốn, nhà đầu tư, người đồng sở hữu DN, không phải là khách hàng của HTX.

Trong HTX, lợi ích và thặng dư/ lãi còn lại chỉ phát sinh sau khi giao dịch nội bộ được hoàn thành. Lợi ích luôn gắn liền với sản phẩm, dịch trong trong giao dịch nội bộ.

Còn đối với DN, lợi nhuận phát sinh sau khi giao dịch với thị trường trên nguyên tắc bán đắt nhất/mua rẻ nhất có thể.

Như vậy, với giao dịch nội bộ và mục đích lợi ích cho thành viên, HTX mang tính chất “kép” về: tư cách kép của thành viên: vừa là chủ sở hữu vừa là khách hàng của HTX; 2 loại giao dịch: giao dịch thị trường với bên ngoài HTX và giao dịch nội bộ bên trong HTX, giữa HTX và thành viên. Hai đặc điểm trên là hai mặt của tấm huy chương, chúng luôn gắn liền với nhau.

Chính đặc trưng “kép” nêu trên của HTX là cơ sở vật chất, đưa đến hệ quả: (i) HTX là tổ chức riêng biệt khác hẳn DN, từ đó cần khung pháp luật riêng; (ii) Tạo cơ sở quyết định cho việc hình thành và phát huy các giá trị HTX (tự giúp đỡ/giúp đỡ lẫn nhau; tự chịu trách nhiệm; dân chủ/mỗi người có một phiếu biểu quyết như nhau; bình đẳng; đoàn kết; tính trung thực; trách nhiệm xã hội và sự quan tâm tới người khác), cũng như nguyên tắc HTX (tham gia tự nguyện và “mở”; quản lý dân chủ, mỗi người một phiếu bầu như nhau; giao dịch kinh tế giữa HTX và thành viên; tự chủ, độc lập, giúp đỡ lẫn nhau; giáo dục, huấn luyện, thông tin; hợp tác giữa các HTX; chăm lo cộng đồng) đã được tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Liên hợp quốc (UN) thừa nhận và khuyến cáo; (iii) Cơ sở quyết định để tạo ra đặc trưng pháp lý riêng có của tổ chức HTX, đó là: tỷ lệ vốn góp tối đa vào vốn điều lệ; quyền biểu quyết như nhau không phụ thuộc vốn góp; và tài sản không chia.

Tóm lại: chỉ khi thành viên hiểu được bản chất đích thực của HTX, thì HTX mới được thành lập, hoạt động hiệu quả và bền vững theo đúng quy định pháp luật về HTX, không gây ra nguy cơ xáo trộn khung pháp luật và môi trường hoạt động của HTX, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng, thành viên và xã hội.

(Mời bạn đọc đón xem bài 2: Hợp tác xã có được tự do cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận?)

   BAN BIÊN TẬP 

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 94
  • Trong tuần: 1 795
  • Tất cả: 283857