Bản chất Tổ chức HTX: Cơ sở Quyết định cho việc hoàn thiện Nghị quyết của Đảng về Kinh tế hợp tác và quy định pháp luật về HTX
 Trong bài 1, với chủ đề “Đi tìm bản chất thực của HTX” của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tú, Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác xã- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2004-2016), đã trình bày một cách chi tiết về các giá trị cốt lõi của HTX, từ đó làm rõ về bản chất thực của HTX. Qua đó cho thấy chỉ khi thành viên hiểu được bản chất đích thực của HTX, thì HTX mới được thành lập, hoạt động hiệu quả và bền vững theo đúng quy định pháp luật về HTX, không gây ra nguy cơ xáo trộn khung pháp luật và môi trường hoạt động của HTX, góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng, thành viên và xã hội. 

Trong quá trình phát triển HTX, cũng như xây dựng, vận hành các quy định pháp luật về HTX, loài người và phong trào HTX đã trải qua nhiều thăng trầm, khó khăn, vướng mắc. Những vướng mắc này đã được Liên hợp quốc (UN), Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và Liên minh HTX quốc tế (ICA) tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất các giải pháp xử lý, hoàn thiện nhận thức và các quy định pháp luật để thúc đẩy phong trào HTX phát triển ngày càng lành mạnh hơn, bền vững hơn. Thực tiễn khi áp dụng luật HTX 2012 vào thực tế có nhiều vấn đề đặt ra, trong đó có nội dung  là HTX có được phép cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận hay không?. Nói cách khác, “sau khi” thỏa mãn nhu cầu sản phẩm, dịch vụ của thành viên, HTX có được cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận không?. Để làm rõ thêm về vấn đề này Ban biên tập Cổng thông tin điện tử Liên minh HTX tỉnh Trà Vinh xin trân trọng giới thiệu một số nội dung trong bài nghiên cứu “Bản chất tổ chức hợp tác xã: cơ sở quyết định cho việc hoàn thiện nghị quyết của đảng về kinh tế hợp tác và quy định pháp luật về hợp tác xã” của Tiến sĩ Nguyễn Minh Tú, Nguyên vụ trưởng Vụ Hợp tác xã- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2004-2016).

Bài 2: Hợp tác xã có được tự do cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận?)

Luật HTX 2012 và Luật HTX các nước khác tuy không có quy định về việc cấm hay cho phép giao dịch này, vì không cần thiết và vì các lý do sau đây:
+ Mục đích của việc giao dịch với khách hàng không phải thành viên là lợi nhuận, do vậy trái với mục đích hoạt động của HTX, lấn sang mục đích, chức năng của DN. Quan hệ giao dịch giữa HTX với khách hàng không phải thành viên do định hướng lợi nhuận, không phải định hướng lợi ích cho thành viên, do vậy trái với bản chất và trái với những quy định pháp luật cơ bản về tổ chức HTX, mà chỉ phù hợp theo những quy tắc và chế định pháp luật cơ bản của Luật DN, đặc biệt về: vốn góp, giao dịch nội bộ, tài sản không chía.

+ Chế định mở rộng thị trường của HTX bằng cách kết nạp thành viên mới để có thêm khách hàng, tăng đơn đặt hàng mới, tăng quy mô kinh tế của HTX, từ đó gia tăng lợi ích cho thành viên (chức năng lợi ích), đương nhiên sẽ không chấp nhận việc mở rộng thị trường bằng cách cung cấp dịch vụ của HTX cho khách hàng không phải thành viên theo cách của DN. Ngược lại, chế định mở rộng thị trường bằng cách cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên để tìm kiếm lợi nhuận (chức năng lợi nhuận), đương nhiên sẽ loại trừ việc mở rộng thị trường bằng cách kết nạp thành viên mới, từ đó hạn chế hoặc triệt tiêu lợi ích của thành viên.

Mở rộng thị trường thông qua mở rộng khách hàng là một điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của cả HTX và DN. Chỉ khi HTX tập trung chức năng của mình vào cung cấp dịch vụ cho thành viên thì mới bảo đảm mục tiêu lợi ích, giữ vững bản chất và phát triển HTX; còn khi cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên thì thì dẫn đến nguy cơ làm lệch, tiến tới triệt đích hoạt động của HTX, theo đó làm giảm dần giao dịch nội bộ và giảm số lượng khách hàng thành viên, đi tới hủy hoại HTX, chuyển sang tổ chức DN. Chế định mở rộng thị trường của HTX bằng cách kết nạp thành viên mới xung khắc với chế định mở rộng thị trường bằng tìm kiếm khách hàng mới không phải thành viên của DN. Nếu quy định pháp luật mà không rõ ràng về bản chất HTX, lại có chính sách ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt cho HTX, thì chắc chắn sẽ tạo cơ sở hình thành các HTX trá hình để trục lợi.

+  Do hai cơ chế mở rộng thị trường nêu trên, tức hai chức năng lợi nhuận và lợi ích là hoàn toàn xung khắc với nhau, triệt tiêu nhau, nên không thể tồn tại trong một tổ chức HTX. Việc thu hẹp, triệt tiêu mở rộng thị trường của HTX bằng cách kết nạp thành viên mới để có thêm khách hàng đương nhiên dẫn đến hệ quả pháp lý và thực tiễn là không còn có cơ sở tồn tại cho các chế định đặc trưng của tổ chức HTX như: hạn chế về vốn góp tối đa, giao dịch nội bộ HTX và phân phối lãi chủ yếu về lợi ích cho thành viên, quyền biểu quyết bình đẳng của thành viên không phụ thuộc vốn góp, tài sản không chia. Các quy định đặc trưng này của HTX hoàn toàn không phù hợp với mục đích lợi nhuận và cách thức mở rộng thị trường của HTX bằng cách HTX trong cung ứng dịch vụ với khách hàng không phải thành viên.  HTX mà bị tước bỏ đi 3 đặc trưng này thì chính là DN. Từ đó triệt tiêu cơ sở cho việc hình thành và khuyến khích phát triển HTX, đi ngược với chủ trương của Đảng và pháp luật nhà nước về HTX. Trong khi đó nước ta đã có Luật DN nhằm mục đích khuyến khích phát triển DN với mục đích lợi nhuận.

+ Có ý kiến  cho rằng, “sau khi thỏa mãn nhu cầu thành viên”, HTX được cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận là vô căn cứ. Vì, chức năng cung cấp dịch vụ cho thành viên, mang lại lợi ích cho thành viên là một quá trình liên tục, hàng ngày, không bao giờ có điểm kết thúc chừng nào HTX với tư cách là một pháp nhân còn tồn tại; không bao giờ có thể xác định được thời điểm “sau khi”. HTX cũng không thể hoạt động theo cách “đánh quả”, thỉnh thoảng hoạt động kiếm lợi nhuận, vì đã là một pháp nhân thì phải đăng kí ngành nghề (chức năng) hoạt động trong suốt thời gian ra đời và tồn tại của mình, càng không thể kinh doanh trái pháp luật.
+ Do lãi của HTX chuyển hóa chủ yếu thành lợi ích nhằm trực tiếp cải thiện đời sống hoặc thúc đẩy hoạt động kinh tế của thành viên, nên phần lãi để lại cho tích lũy đầu tư phát triển HTX và chia theo vốn góp rất thấp. Vì vậy, việc đầu tư phát triển của HTX đòi hỏi quá trình rất lâu dài dựa trên sự đóng góp của nhiều thế hệ thành viên, từ đó mà hình thành nên tài sản không chia. Nếu HTX cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận thì đương nhiên không còn nguồn cho việc hình thành quỹ đầu tư và tài sản không chia trong HTX, từ đó mà làm chết dần HTX.

+ Việc HTX cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận dù “đánh quả” đi chăng nữa, bao giờ đòi hỏi khoản đầu tư với độ rủi ro rất cao khi phải cạnh tranh khắc nghiệt trên thị trường với các thực thể kinh tế khác, có thể gây ra nguy cơ thua lỗ, thậm chí phải phá sản HTX, gây thiệt hại rất lớn về lợi ích cho thành viên khi không được đáp ứng nhu cầu thiết yếu về sản phẩm, dịch vụ cho đời sống, hoạt động sản suất kinh doanh của mình; từ đó làm cho chất lượng đời sống, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của thành viên bị sa sút, thậm chí phá sản theo; bao nhiêu công sức xây dựng, phát triển HTX bỗng thành tro bụi; cả xã hội cũng bị thiệt hại. Muốn khôi phục lại lợi ích, các thành viên lại phải tốn kém thành lập mới HTX. Do vậy, HTX, thành viên HTX muốn kinh doanh kiếm lợi nhuận phải thành lập DN theo quy định của Luật DN.

+  Như vậy, hoạt động của HTX cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên nhằm mục đích lợi nhuận không tương hợp với các đặc trưng và quy định pháp luật đặc trưng về HTX, như: giao dịch nội bộ, tỷ lệ tối đa mức vốn góp, quyền biểu quyết, phân phối lãi/thu nhập, chế định tài sản không chia, v.v. Việc kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận đòi hỏi cần áp dụng Luật doanh nghiệp. Một tổ chức như HTX không thể đồng thời thực hiện 2 chức năng (lợi nhuận và lợi ích) được quy định bởi 2 Luật với nhiều quy định cơ bản khác nhau, trái ngược nhau. Chính vì vậy, tất cả các nước đều có 1 Luật HTX riêng, tách bạch với Luật DN  hoặc các luật về công ty kinh doanh. Nếu tổ chức vì mục đích lợi ích (như HTX) và tổ chức vì mục đích lợi nhuận (như DN) mà được ghép chung trong 1 khung pháp luật duy nhất thì thế giới họ đã làm từ lâu rồi, chứ đâu cần phải có 2 khung luật phiền hà, rối rắm làm gì.
+ Việc cho phép HTX được cung cấp dịch vụ cho khách hàng không phải thành viên nhằm tìm kiếm kiếm lợi nhuận còn gây ra và khoét sâu thêm mâu thuẫn xã hội giữa thành viên là khách hàng là thành viên và khách hàng không phải thành viên HTX, nhất là thành viên nông dân và nông dân chưa/không phải thành viên HTX, đi ngược lại mục đích của Đảng, nhà nước và của tổ chức HTX là mang lại lợi ích cho tất cả nông dân nông dân nói riêng và người dân nói chung.

Để làm rõ hơn các nội dung trên, xin lấy một số ví dụ minh họa sau đây:

Ví dụ 1: HTX được coi là người phụ nữ, DN được coi là đàn ông trong xã hội, hoặc ngược lại. Đàn ông và phụ nữ có những đặc điểm chung của con người, nhưng có những đặc điểm riêng về giống loài và chức năng khác nhau. Rồi bỗng nhiên, người phụ nữ, “sau khi” thỏa mãn nhu cầu phụ nữ, muốn làm cả chức năng giống loài và thiên chức đàn ông, nghĩa là trở thành đồng thời là đàn bà và đàn ông như nhau trên cùng một cơ thể. Loại người như thế liệu có thể ra đời không? Có nên khuyến khích không?

Ví dụ 2: Mỗi cơ quan trong cơ thể người hay động vật có chức năng riêng biệt, là hệ thống nhỏ hoàn chỉnh trong hệ thống lớn hơn là cơ thể người. Nay, bổng nhiên, “sau khi” thỏa mãn chức năng của mình, tim muốn làm thêm chức năng của phổi; gan muốn làm thêm chức năng dạ dày; v.v. Không thể tưởng tưởng được cơ thể người sẽ ra sao?

Ví dụ 3: Trong cơ chế kinh tế thị trường có nhiều thực thể hoạt động: nhà nước, DN, HTX, hiệp hội, tổ chức phi lợi nhuận, thể nhân, hộ gia đình,v.v. Mỗi thực thể có chức năng riêng, có mục đích riêng. Nay, bỗng nhiên, “sau khi” thỏa mãn chức năng của mình, DN muốn làm cả chức năng nhà nước; tổ chức từ thiện muốn tìm kiếm lợi nhuận, v.v. Xã hội sẽ ra sao?

+ Luật HTX năm 2012 đã ghi nhận nhu cầu kiếm lợi nhuận của HTX, trên cơ sở bản chất HTX và trên cơ sở rút kinh nghiệm làm luật của các nước, đã thiết kế khoản 3 Điều 3 cho phép HTX, Liên hiệp  HTX được phép thành lập DN thuộc HTX để kinh doanh kiếm lợi  nhuận hoạt động theo Luật DN, có điều lệ riêng, hoạt động độc lập, tách hẳn hỏi HTX, từ đó loại bỏ được các nguy cơ gây tác hại cho HTX khi thua lỗ, phá sản, giải thể, hoặc vi phạm pháp pháp luật, từ đó bảo đảm HTX hoạt động, phát triển bền vững vì lợi ích cộng đồng thành viên ngày càng lớn lên.

Lại có người đặt câu hỏi, tại sao lại “bắt” thành viên” phải sử dụng dịch vụ của HTX?. Luật HTX không có bất cứ quy định nào “bắt” thành viên phải sử dụng dịch vụ của HTX. Giao dịch nội bộ giữa HTX và thành viên với tư cách là khách hàng của HTX là theo thỏa thuận bình đẳng giữa hai bên, được quy định tại điều lệ HTX, trong đó có thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích của mỗi bên. Trường hợp HTX hoạt động không hiệu quả trong việc cung cấp dịch vụ HTX cho thành viên và không theo đúng thỏa thuận thì áp dụng chế tài tại thỏa thuận, hoặc thành viên với tư cách là chủ sở hữu sẽ sa thải giám đốc, hoặc bầu lại hội đồng quản trị, thậm chí tổ chức lại, giải thể HTX.

+ Chính vì chưa hiểu đầy đủ bản chất của HTX mang lại lợi ích cho thành viên, đặc biệt, nhầm lẫn giữa mô hình HTX với mô hình DN, say sưa, tuyệt đối hóa việc tìm kiếm lợi nhuận, hoặc vì lợi ích nhóm, nên không thấy được vai trò của HTX có thể được phát huy trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Xin dẫn một số ví dụ minh họa sau đây:

Ví dụ 5:  HTX Y tế ở Nhật Bản

HTX y tế phát triển rất mạnh ở Nhật Bản, chăm sóc sức khỏe cho khoảng 1/3 dân số đất nước này. Người dân ở các xã (cấp thấp nhất trong 3 cấp: xã tỉnh, quốc gia) đã thành lập HTX y tế cung cấp dịch vụ chăm sóc cho thành viên. Các HTX lại thành lập liên hiệp HTX để cung cấp dịch vụ y tế ở cấp cao hơn cho số đông thành viên của các HTX thành viên. Các thành viên HTX y tế được hưởng dịch vụ y tế tốt với giá rẻ nhất.

Ví dụ 6: HTX Thư viện

HTX thư viện được thành lập ở một khu vực dân cư. Mỗi hộ dân cư có nhu cầu đọc sách, báo, … Nếu mỗi người tự thực hiện đơn lẻ thì sẽ đắt, không thể mua được nhiều loại sách báo, đọc xong thì để lãng phí. Cộng đồng dân cư ở đó thành lập HTX thư viện, mỗi hộ đóng góp tiền (được gọi là phí sử dụng dịch vụ) để mua sách, báo, tạp chí theo nhu cầu của họ. Mọi người chia sẽ việc sử dụng sách, báo, tạp chí với chi phí rẻ nhất và hiệu quả nhất.

Ví dụ 7. HTX của người tiêu dùng

Vào năm 1972,người tiêu dùng ở Singapore bị mua phải hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, bị cân đong gian dối, giống như tình trạng đang phổ biến ở Việt nam bây giờ. Không chấp nhận được tình cảnh đó, 30 người dân Singapore đã đứng ra thành lập HTX của người tiêu dùng có tên “Fairprice” với sự chứng kiến của Thủ tướng Lý Quang Diệu. HTX có chức năng tìm mua và bán lại hàng hóa, dịch vụ cho thành viên với giá “fair” (công bằng), chất lượng tốt, đúng chủng loại, đúng số lượng theo đặt hàng của 30 thành viên. Từ đó đến nay HTX Fairprice đã phát triển thành tập đoàn bán lẻ lớn nhất Singapore với hơn 500 ngàn thành viên, nghĩa là HTX này chăm sóc hầu hết các gia đình Singapore, chiếm trên 50% thị phần bán lẻ của Singapore. HTX không chỉ mua, mà ngày càng tự đầu tư sản xuất hàng hóa với thương hiệu riêng phục vụ thành viên. Hàng triệu người dân Singapore có lợi.

+ Nhìn chung ở các nước, khi phát triển HTX và bàn về HTX họ hoàn toàn không có ý niệm về việc HTX cung cấp dịch vụ của mình cho khách hàng không phải thành viên để tìm kiếm lợi nhuận, Vì, họ hiểu khái niệm “hợp tác”, bản chất tổ chức HTX, thấm nhuần tinh thần hợp tác, càng không làm HTX giả để trục lợi vì quy định pháp luật rất nghiêm ngặt, hơn nữa phần lớn các nước không có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng cho HTX. Đã có đoàn Việt Nam sang học tập kinh nghiệm HTX nông nghiệp ở Thái Lan và hỏi họ về việc này, họ rất ngạc nhiên và trả lời rằng, HTX chỉ giao dịch kinh tế với thành viên, mang lại lợi ích cho thành viên, không có giao dịch kinh doanh với khách hàng không phải thành viên để kiếm lợi nhuận; trong suy nghĩ của họ không hề có việc HTX hoạt động kinh doanh kiếm lợi nhuận như các công ty thương mại.

Các nhận định trên là hoàn toàn phù hợp với  quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII nêu “Kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, các hợp tác xã, tổ hợp tác có phạm vi hoạt động rộng lớn, với vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện để các thành viên nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Tăng cường liên kết giữa các hợp tác xã, hình thành các hiệp hội, liên hiệp hợp tác xã” 

Ban Biên tập

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 17
  • Trong tuần: 224
  • Tất cả: 285477