Giải pháp vận động hội viên vào kinh tế tập thể
Xác định hỗ trợ nông dân (ND) liên kết, phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ quan trọng, những năm qua, Hội ND tỉnh tập trung đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo động lực đẩy nhanh tiến độ XDNTM.

Thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, trong 20 năm qua, Hội ND tỉnh đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức 51.202 cuộc tuyên truyền những kiến thức về Nghị quyết số 13, Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, quy trình thành lập HTX, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cho trên 1,611 triệu lượt hội viên ND, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và ND về việc hợp tác cùng sản xuất một loại sản phẩm với số lượng lớn, chất lượng đồng nhất để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Từ các mô hình kinh tế, hàng năm các cấp Hội ND trong tỉnh đã phối hợp vận động hội viên, ND tham gia vào 2.009 tổ hợp tác, HTX nông nghiệp với 34.206 thành viên. Ngoài ra, từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ ND Trung ương ủy thác và ngân sách tỉnh, huyện đối ứng, các cấp cơ sở Hội ND đã đầu tư trên 38 tỷ đồng vào các mô hình tổ hợp tác cùng sản xuất một loại sản phẩm, nhóm cùng sở thích từng bước hình thành HTX để phát triển phong trào kinh tế tập thể. Điển hình như HTX nông nghiệp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang thành lập với 35 thành viên, thu nhập bình quân 180 triệu đồng/ha/năm;  HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, xã Ngũ Lạc, Duyên Hải được chuyển giao mô hình công nghệ cao trồng màu trong nhà màng được xây dựng từ chi hội nghề nghiệp trồng màu với quy mô 10 nhà màng, trên diện tích 01ha của 27 thànhviên, thu nhập bình quân 230 triệu đồng/năm/hộ. Từ hiệu quả đó, HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc đã nhân rộng phát triển lên 20 nhà màng với tổng diện tích 1,5ha của 56 thành viên với thu nhập bình quân 450 triệu đồng/năm/hộ.

Đến thăm mô hình trồng quýt đường của ND ấp Long Trị, xã Bình Phú, huyện Càng Long trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, nhưng các nhà vườn vẫn tích cực chăm sóc hy vọng với vụ mùa bội thu vào dịp cuối năm. Phần lớn hiện nay các sản phẩm quýt đường của các ND đều liên kết qua kênh đầu mối của HTX quýt đường Thuận Phú để cung ứng cho khách hàng. Được biết, HTX quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú có 65 thành viên tham gia trồng quýt đường với 60ha. Trong quá trình hoạt động HTX đã được địa phương hỗ trợ 600 triệu đồng xây dựng trụ sở, cửa hàng, nhà kho trên diện tích 2.100m2 theo Nghị quyết 56/2018/NQ-HĐND, ngày 04/5/2018 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về ban hành chính sách hỗ trợ phát triển HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2017 - 2020. Tham gia vào HTX các thành viên được cung ứng vật tư đầu vào với giá thành thấp hơn thị trường và liên kết đầu ra sản phẩm.

Theo ND Phan Thanh Lộc, ấp Long Trị, xã Bình Phú, ngoài cây trồng chính quýt đường hiện đang cho trái chiến, ông còn trồng xen một số loại cây ăn quả khác để tăng thu nhập như bưởi, cam xoàn và dừa trên diện tích tích gần 01ha. Với quýt đường do năm nay dịch bệnh Covid-19 vẫn còn phức tạp nên giá bán dao động từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, lợi nhuận bình quân 15 triệu đồng/1.000m2.

Nông dân Phan Thanh Tâm.

ND Phan Thanh Tâm, thành viên HTX quýt đường Thuận Phú, xã Bình Phú cho biết: Theo ông Tâm, hiện hơn 4.000m2 quýt đường của gia đình ông đang cho thu hoạch. Năm nay do tình hình thời tiết bất lợi nên sản lượng quýt cho trái không nhiều như mọi năm, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên chi phí phân bón tăng cao, trong khi giá bán bấp bênh và biến đổi thất thường. Chính vì thế, nhà vườn thấp thỏm lo lắng về giá, sản lượng quýt của gia đình ông dự kiến bán Tết ước đạt gần 01 tấn.

Theo lãnh đạo Hội ND tỉnh, thông qua hình thức chi, tổ hội nghề nghiệp là giải pháp để tập hợp hội viên, nông dân vào tổ hợp tác cùng ngành nghề, cùng sở thích. Khi các tổ hội nghề nghiệp mạnh về chất, tăng về lượng tiến hành thành lập tổ hợp tác hoặc chi hội nghề nghiệp hội đủ điều kiện để nâng chất, chuyển dần sang mô hình HTX. Qua đó, phát triển thêm dịch vụ cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, làm đất, thu hoạch chế biến nông sản, đầu mối thu mua tiêu thụ nông sản để huy động hết mọi nguồn lực của hội viên, nông dân đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là đạt 08 tiêu chuẩn gia đình nông dân văn hóa, nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công xã nông thôn mới. Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13 và 10 năm triển khai Luật HTX 2012 tuy còn một số hạn chế, nhưng thời gian tới, Hội nông dân tỉnh chỉ đạo các cơ sở Hội thường xuyên nâng cao kiến thức quản lý điều hành THT, HTX theo quy luật cung cầu của thị trường. Hỗ trợ tìm kiếm công ty, doanh nghiệp tiêu thụ đầu ra nông sản của THT, HTX để hình thành những chuỗi giá trị hàng hóa đặc trưng của tỉnh. Chỉ đạo các cấp Hội triển khai mô hình THT, HTX xác thực tế ở từng địa bàn. 

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 217
  • Tất cả: 285501