Hiệu quả tổ hợp tác hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm
Để giúp hội viên phụ nữ có việc làm, tăng thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang triển khai thực hiện các giải pháp giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ Khmer tiếp cận công tác đào tạo nghề, tạo việc làm, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Chị Trần Thị Diệu Huệ, Tổ trưởng tổ hợp tác đan đát giỏ lục bình ấp Lạc Thạnh A kiểm tra hàng trước khi giao cho công ty.

Sau khi tham gia lớp đào tạo nghề đan đát giỏ lục bình do Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã phối hợp tổ chức, chị Thạch Thị Đèo, ấp Lạc Thạnh A, xã Thạnh Hòa Sơn có thêm việc làm những lúc nhàn rỗi, thu nhập bình quân 03 triệu đồng/tháng. Chị Đèo cho biết: kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề sản xuất nông nghiệp kết hợp với nuôi thủy sản và nuôi bò sinh sản. Với 3.000m2 mặt nước, hàng năm gia đình chị thả nuôi khoảng 50.000 con tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh. Những năm gần đây tình hình nuôi thủy sản gặp nhiều khó khăn, tình hình dịch bệnh, thời tiết bất thường, trong khi đó điều kiện gia đình còn khó khăn, thiếu vốn nên không đủ khả năng đầu tư bài bản nuôi hình thức thâm canh. Liên tục 02 vụ nuôi vừa qua vụ huề và vụ lỗ vốn. Ngoài thời gian nuôi tôm, chị chăm sóc 02 con bò sinh sản và nhận nguyên liệu lục bình đan giỏ tại nhà những lúc rãnh rỗi, bình quân 02 ngày chị đan được 01 bộ sản phẩm giỏ lục bình, thu nhập từ 50.000 - 100.000 đồng/bộ tùy loại. Mặc dù nghề đan đát thu nhập không nhiều nhưng có việc làm lúc nhàn rỗi, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống hàng ngày như tiền gạo, tiền điện,…

Chị Trần Thị Diệu Huệ, Tổ trưởng tổ hợp tác đan đát giỏ lục bình ấp Lạc Thạnh A cho biết: hiện tổ hợp tác đan đát hoạt động với 15 thành viên, thu nhập từ 01 - 03 triệu đồng/tháng/người. Ban đầu mới thành lập tổ thu hút nhiều chị em tham gia, nhưng thời gian gần đây một phần do các chị có điều kiện tăng gia sản xuất hoặc đi làm thuê như hái ớt, lặt đậu phộng… thu nhập cao từ 150.000 - 200.000 đồng/ngày. So với nghề đan đát, thu nhập từ nghề hái ớt, lặt đậu phộng thuê từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày, trong khi nghề đan đát, chị nào đan giỏi được 01 bộ sản phẩm/ngày, thu nhập chỉ 50.000 - 100.000 đồng/bộ. Khó khăn hiện nay của tổ đan đát, phần lớn các chị tham gia đều hộ nghèo, cận nghèo, vì vậy, hàng tuần khi giao hàng các chị mong sớm được nhận tiền thu nhập, trong khi đó công ty gom đủ hàng mới thanh toán 01 lần. Chính vì vậy, mỗi tuần gom hàng chị phải tự xuất tiền của gia đình để chi trả cho chị em. Trong khi điều kiện vốn của gia đình cũng gặp không ít khó khăn, nhất là mỗi khi đầu tư vào mùa vụ mới. Vì vậy, chị mong Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp phối hợp với công ty tạo điều kiện cho tổ đan đát tạm ứng một phần vốn trước để chi trả cho chị em khó khăn khi giao hàng; đồng thời có thu nhập thu hút nhiều chị em tham gia hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: đời sống của chị em trong xã chủ yếu sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Phần lớn chị em phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm ăn xa ở các công ty, doanh nghiệp. Những phụ nữ có điều kiện tham gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình nuôi dạy con cái; phụ nữ không có điều kiện đi làm thuê theo mùa vụ; phụ nữ ngoài tuổi lao động làm nội trợ và đưa rước các con đi học. Nhằm giúp phụ nữ nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo, hàng năm Hội phối hợp với các ngành liên quan tổ chức đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng. Bên cạnh đó, Hội thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”. Ngoài ra, Hội còn phối hợp triển khai các hoạt động hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm cho lao động nữ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập; thực hiện có hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, công tác giảm nghèo gắn với mục tiêu xây dựng hoàn thành xã nông thôn mới. Đến nay, Hội duy trì 62 tổ, nhóm, câu lạc bộ phụ nữ hoạt động hiệu quả. Đặc biệt Hội triển khai thực hiện hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho lao động nữ lúc nhàn rỗi, năm 2019, Hội đã phối hợp với Công ty Cổ phần ArText Đồng Tháp tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 60 lao động, qua đó thành lập 02 tổ hợp tác đan đát giỏ lục bình ấp Lạc Thạnh A và Trường Bắn với 28 thành viên và duy trì cho đến nay. Qua gần 03 năm hoạt động 02 tổ hợp tác đan đát giỏ lục bình hoạt động hiệu quả, vừa giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo tại địa phương.

Bên cạnh đó, Hội tranh thủ nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ nghèo, cận nghèo vươn lên phát triển kinh tế. Trong những tháng đầu năm 2022, Hội giải ngân 820 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp 32 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo vay phát triển sản xuất, nâng tổng dự nợ đến nay trên 12 tỷ đồng, giúp 373 chị vay. Song song đó, Hội giải ngân 150 triệu đồng giúp 03 hội viên phụ nữ nghèo, cận nghèo phát triển mô hình sinh kế; đồng thời Hội Liên hiệp phụ nữ huyện còn hỗ trợ vốn giúp phụ nữ nghèo mua giống, phân bón phát triển mô hình sinh kế, tăng gia sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Có thể nói công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho phụ nữ trong thời gian qua tạo cơ hội cho nhiều hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ Khmer ở vùng sâu, vùng xa có việc làm ổn định nâng cao đời sống, góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, còn nâng cao vị thế của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 136
  • Tất cả: 285596