Mô hình trồng rau ăn lá xen dừa cho thu nhập cao
Đó là mô hình của nông dân Nguyễn Văn Vũ, thành viên tổ hợp tác trồng màu ở ấp Bình Hội, xã Huyền Hội, huyện Càng Long là một trong những nông dân mạnh dạn chuyển đổi 0,9ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng màu kết hợp cây lâu năm, mang lại hiệu quả kinh tế cao với tổng lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/năm. 

Những ngày cuối năm, chúng tôi đến thăm gia đình nông dân Nguyễn Văn Vũ, được biết, ông Vũ xuất thân gia đình trung nông, sau khi lập gia đình, cha mẹ cho 0,9ha đất trồng lúa, canh tác 03 vụ/năm. Những năm gần đây, tình hình sản xuất lúa gặp không ít khó khăn, nhất là chi phí đầu tư cao, cực công chăm sóc, nhưng lợi nhuận đạt từ 15 - 20 triệu đồng/ha. Nhận thấy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, nhất là luân canh hoa màu trên đất trồng lúa không chỉ cải thiện hiệu quả đất sử dụng, nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao gấn 05 lần so với trồng lúa, nên ông Vũ đã mạnh dạn chuyển sang trồng rau ngắn ngày chủ yếu xà lách, hành lá, ngò rí,… mang lại lợi nhuận từ 100 - 150 triệu đồng/ha.

Rẫy hành lá của nông dân Nguyễn Văn Vũ (trái), ấp Bình Hội, xã Huyền Hội.

Ông Vũ cho biết: trước đây, với 0,9ha đất trồng lúa, ban đầu ông Vũ lên liếp, đào ao trồng thanh long. Tuy nhiên vụ đầu tiên, giá thanh long sụt giảm, đầu ra bấp bênh, sau khi thu hoạch 02 vụ đầu ông Vũ phá bỏ đất trồng thanh long chuyển sang trồng gần 200 dừa sáp và xen rau ăn lá các loại như hành lá, xà lách, ngò rí… trên diện tích 0,5ha. Với phương thức lấy ngắn nuôi dài, mỗi liếp dừa sáp ông Vũ trồng xoay vòng rau màu các loại 04 vụ/năm, tổng lợi nhuận đạt 50 - 60 triệu đồng/vụ. Nhờ vậy hàng ngày gia đình ông Vũ có rau màu thu hoạch thường xuyên và thu nhập ổn định. Hiện gần 0,1ha rau xà lách đang cho thu hoạch bình quân khoảng 50 - 100kg/ngày tùy theo thương lái thu mua, giá bán 25.000 đồng/kg. Trồng màu tuy cực công chăm sóc, nhưng lợi nhuận gấp 05 lần so với trồng lúa. Dịp tết này ông tranh thủ lên liếp trồng 0,2ha hành lá xen với ngò rí và cải xà lách, trồng theo phương pháp này, khoảng 01 tháng sau ông thu hoạch cải xà lách và ngò rí trước, sau đó thu hoạch hành lá vào thời điểm cận tết. Hành lá có thời gian thu hoạch dài hơn cải xà lách, vì vậy trồng xen theo phương thức này tăng lợi nhuận gấp đôi trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Phạm Văn Sử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Huyện Hội cho biết: để góp phần cùng địa phương thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, những năm qua, Hội Nông dân xã Huyền Hội, tập trung tuyên truyền vận động duy trì và nhân rộng các mô hình chuyển đổi, phát triển kinh tế. Với vai trò là nòng cốt trong phong trào vận động nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, những năm qua, Hội Nông dân xã đã tập trung tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, từng bước đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền như thông qua việc học tập, nghiên cứu các văn bản hướng dẫn; thông tin tại các buổi sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt... Qua đó, góp phần giúp người dân nhận thức rõ hơn về mục đích, yêu cầu, nội dung và cách thức xây dựng nông thôn mới; cổ vũ các tầng lớp Nhân dân vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng; chủ động tham gia XDNTM với nhiều việc làm thiết thực. Từ đó phát huy mạnh mẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp Nhân dân, thúc đẩy kinh tế hợp tác, hợp tác xã và xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi như hội viên nông dân Nguyễn Văn Vũ và hội viên nông dân Nguyễn Văn Hợp, ấp Bình Hội và các mô hình trồng chanh không hạt, nuôi bò sinh sản của hội viên nông dân ấp Kinh A, Kinh B, Giồng Mới,… Bên cạnh đó, Hội Nông dân tranh thủ các nguồn vốn ủy thác của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách hội huyện đầu tư 439 hộ vay với số tiền 9,616 tỷ đồng phát triển kinh tế. Đồng thời từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, huyện, Hội Nông dân xã giải ngân 500 triệu đồng giúp 18 hộ nông dân tham gia thực hiện dự án nuôi bò sinh sản tại 02 ấp Kinh A và Kinh B. Thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với phát triển ngành nghề, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, thúc đẩy kinh tế gia đình, từng bước giảm nghèo bền vững.

Song song đó, trong năm Hội tham gia vận động thành lập mới 01 hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí tại ấp Giồng Bèn với 10 thành viên, vốn điều lệ 500 triệu đồng, chuyên trồng chanh không hạt để xuất khẩu. Hiện nay, toàn xã có 02 hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động, trong đó, hợp tác xã nông nghiệp Thành Đạt, có 31 thành viên, vốn điều lệ 90 triệu đồng, được đánh giá hoạt động trung bình. Hợp tác xã nông nghiệp Thành Chí đã tiến hành đại hội thường niên năm 2022 có 10 thành viên tham gia. Phát động Chi hội nông dân các ấp tiếp tục củng cố và thành lập tổ kinh tế hợp tác theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP, ngày 10/10/2019 của Chính phủ quy định về tổ hợp tác. Kết quả thành lập mới 02 tổ hợp tác 77 nuôi bò sinh sản gồm có 18 thành viên tại ấp Kinh A và Kinh B, đạt 100% chỉ tiêu. Thực hiện thành lập mới được 18 tổ hội nghề nghiệp có 324 thành viên tham gia trên địa bàn xã theo Nghị quyết 04-NQ/HNDTW, ngày 05/8/2019 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (khóa VII) về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp. Nâng tổng số đến nay toàn xã có 99 tổ hội nghề nghiệp với 1.606 thành viên.

Ông Phạm Văn Sử cho biết thêm: Đối với mô hình trồng rau ăn lá của hội viên nông dân Nguyễn Văn Vũ được huyện, xã đánh giá là mô hình kinh tế hợp tác đạt hiệu quả cao cần nhân rộng. Không chỉ vậy, đây là mô hình được huyện, xã  chọn làm mô hình “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” để triển khai thực hiện. Để mô hình này ngày càng hiệu quả bền vững, huyện liên kết với Trường Đại học Trà Vinh hỗ trợ 100 triệu đồng giúp gia đình ông Vũ xây dựng nhà lưới khép kín trồng rau an toàn; đồng thời liên kết đầu ra sản phẩm giúp gia đình ông Vũ an tâm sản xuất.

Có thể nói, mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu của gia đình ông Vũ góp phần đẩy nhanh chuyển dịch kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giảm nghèo bền vững. Thực hiện chuyển đổi là giải pháp quan trọng không chỉ giúp người dân yên tâm canh tác, còn tạo điều kiện thu nhập ổn định, đẩy mạnh sản xuất.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 127
  • Trong tuần: 1 828
  • Tất cả: 283890