Xúc tiến thương mại mở rộng đa kênh phân phối
Hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã hỗ trợ tích cực cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia kết nối thị trường, giới thiệu hàng hoá, giao lưu hợp tác trao đổi hai chiều với các tỉnh, thành trong cả nước nhằm đưa hàng hoá, sản phẩm của tỉnh kết nối, mở rộng hệ thống kênh phân phối, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. 

Nhân viên hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên trưng bày sản phẩm gạo tại hội chợ triển lãm xúc tiến thương mại.

Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh không chỉ xây dựng chiến lược phát triển thị trường, còn thiết lập mối quan hệ kinh doanh bền chặt và vững chắc trên thị trường. Việc kết nối cung - cầu hàng hóa trong và ngoài tỉnh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, OCOP, thủ công mỹ nghệ của tỉnh đã tạo sức bật trong hệ thống bán lẻ để tiêu thụ hàng hóa, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa thúc đẩy sản xuất phát triển đối mới công tác quản lý nhà nước về thương mại, dịch vụ.

Từ khi tham gia kết nối giao thương thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh, sản phẩm gạo quê tôi của hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên, huyện Trà Cú không chỉ kết nối giao thương với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, mở rộng thị trường đa kênh phân phối, đặc biệt hiện nay sản phẩm gạo quê tôi được phân phối tại thị trường Nhật Bản, Mỹ. Ông Lê Phúc Hiền, Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên cho biết: hoạt động của hợp tác xã liên kết các vùng nguyên liệu sản xuất lúa và thu mua chế biến gạo thương phẩm. Trong quá trình sản xuất, hợp tác xã cung ứng giống chất lượng, phân bón, thuốc hữu cơ và hướng dẫn sản xuất theo quy trình hữu cơ cho nông dân và thu hồi sau thu hoạch; đồng thời bao tiêu sản phẩm theo giá sàn và giá thị trường, đến nay sản phẩm gạo quê tôi (ST25) đạt chuẩn OCOP 3 sao. Từ sau khi tham gia hội chợ triển lãm sản phẩm gạo đã kết nối không ít khách hàng. Đặc biệt là từ khi sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, việc kinh doanh sản phẩm gạo quê tôi được mở rộng và có thêm khách hàng mới. Hiện hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm giống lúa ST25 với hơn 500 hộ dân ở các xã Long Hiệp, Ngọc Biên, Hàm Giang, huyện Trà Cú và xã Đôn Xuân, huyện Duyên Hải; Hiệp Hoà, huyện Cầu Ngang với diện tích 1.000ha. Vụ lúa hè - thu vừa qua, hợp tác xã liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với tổng sản lượng 3.500 tấn lúa. Từ khi sản phẩm gạo quê tôi ra đời luôn được sở, ngành tỉnh quan tâm hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại ở các cuộc hội thảo, hội chợ triển lãm, phiên chợ, từ đó giúp hoạt động kinh doanh của hợp tác xã ngày càng mở rộng và kết nối giao thương đa kênh thị trường.

Hoạt động xúc tiến thương mại không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia, giới thiệu quảng bá, mở rộng kênh phân phối hàng hoá mới, những năm gần đây, tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh tham gia gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử, tạo sức bật mạnh mẽ trong hệ thống kinh doanh bán lẻ, hướng tới đẩy mạnh mục tiêu sản phẩm công nghiệp, nông thôn trên sàn thương mại điện tử thông qua nền tảng số nhằm tăng thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế. Đến nay, tỉnh đã thực hiện liên kết giữa các tỉnh được 14 sàn thương mại điện tử, góp phần đưa sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu tiêu thụ ngày càng được nâng lên.

Giám đốc hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Biên Lê Phúc Hiền trưng bày sản phẩm gạo quê tôi.

Theo đồng chí Phạm Phước Trãi, Phó Giám đốc Sở Công thương, hiện toàn tỉnh có 125 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử với 638 sản phẩm OCOP, công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm đặc trưng và một số sản phẩm khác đạt chuẩn VietGAP, ISO,… được giới thiệu, chào mua, chào bán trên sàn. Việc hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp, cộng động, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong tỉnh và ngoài nước thông quan ứng dụng thương mại điện tử, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Để hỗ trợ các cơ sở, hộ kinh doanh, doanh nghiệp hoạt động trên sàn thương mại điện tử ngày càng hiệu quả, Sở Công Thương tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả Quyết định số 2959/QĐ-UBND, ngày 13/8/2020 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn cán bộ, công chức, viên và doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước và doanh nghiệp, người dân về vai trò, lợi ích và kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử trong sản xuất kinh doanh và đời sống. tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng hóa lên sàn giao dịch thương mại điện tử; tăng cường tuyên truyền quảng bá thương mại điện tử trên các phương tiện truyền thông.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 21
  • Trong tuần: 146
  • Tất cả: 285606