Kinh tế hợp tác đòn bẩy trong phát triển sinh tế cho phụ nữ
Năm 2022, được sự hỗ trợ của Care quốc tế tại Việt Nam khởi động Dự án Nâng quyền cho phụ nữ dân tộc thiểu số (EMWE), Hội Liệp phụ nữ xã Thạnh Hòa Sơn, huyện Cầu Ngang vận động hỗ trợ 20 chị tham gia vào tổ hợp tác trồng màu tại ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn với số tiền 155 triệu đồng nhằm tạo sinh kế, việc làm cho phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã tham quan mô hình trồng ớt của hội viên phụ nữ ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Hòa Sơn cho biết: hiện xã có 1.291 hội viên phụ nữ, trong đó phụ nữ Khmer chiếm trên 73%. Đến nay Hội thành lập 05 tổ hợp tác kinh tế, thông qua Dự án Care, tổ hợp tác trồng màu ấp Lạc Hòa bước đầu đạt hiệu quả cao. Tham gia vào tổ hợp tác hội viên phụ nữ được trang bị kiến thức kỹ thuật trồng màu và hỗ trợ các điều kiện về hệ thống tưới nước, màng phủ nông nghiệp,… đầu tư vào trồng ớt chỉ thiên và trồng cà chua. Qua khảo sát tổ hợp tác trồng màu ấp Lạc Hòa hoạt động có hiệu quả, đặc biệt vụ màu đông - xuân này, các chị tham gia trồng màu được mùa được giá.

Chị Hà Thị Thanh Liên, Chi hội trưởng Hội phụ nữ ấp Lạc Hòa, Tổ trưởng tổ hợp tác trồng màu cho biết: nhờ sự tiếp sức của các cấp Hội Liên hiệp phụ nữ, tổ hợp tác trồng màu của ấp hoạt động có hiệu quả. Ngoài được hỗ trợ dụng cụ sản xuất nông nghiệp, trong quá trình canh tác, các chị hùn vốn xoay vòng nhằm hỗ trợ các chị mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất. Tổ hợp tác trồng màu giúp các chị hình thành tư duy phát triển kinh tế, năng động, sáng tạo hơn trong quá vươn lên làm giàu. Với 0,35ha đất sản xuất của gia đình, vụ màu này, chị trồng 0,2ha ớt chỉ thiên và 0,15ha cà chua hiện đang thu hoạch, giá bán 9.000 đồng/kg cà chua, 20.000 đồng/kg ớt chỉ thiên. Đối với cà chua cách 01 ngày thu hoạch 01 lần, ớt chỉ thiên thu hoạch 02 lần/tuần. Mỗi đợt thu hoạch 300kg cà chua và 100kg ớt chỉ thiên. Với giá nông sản hiện nay, lợi nhuận đến cuối vụ ước đạt từ 10 - 20 triệu đồng/0,1ha. Tổ hợp tác trồng màu đi vào hoạt động tạo sinh kế và việc làm cho hội viên phụ nữ, nhất là vào vụ thu hoạch ớt, các chị trong tổ thu hoạch dàn công, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, qua đó giúp được 01 hội viên vươn lên thoát nghèo.

Cũng như các hội viên khác, tham gia vào tổ hợp tác trồng màu bà Thạch Thị Huyền, ấp Lạc Hòa được hỗ trợ hệ thống ống tưới nước, mô-tưa, màng phủ nông nghiệp… trồng 0,2ha cà chua. Bà Huyền cho biết: hiện 0,2ha cà chua đang cho thu hoạch trung bình 200kg/ngày, năng suất ước đạt 3,5 tấn/0,1ha. Trồng cà chua chi phí thấp hơn ớt chỉ thiên, thời gian ngắn hơn, thời gian thu hoạch từ 01 - 02 tháng kết thúc, chi phí đầu tư cà chua vụ này khoảng 05 triệu đồng/0,1ha. Với giá bán hiện nay 9.000 đồng/kg nếu duy trì đến cuối vụ, lợi nhuận ước đạt 25 triệu đồng/0,1ha. Ngoài nguồn thu nhập cà chua, bà trồng thêm 0,2ha ớt chỉ thiên gần thu hoạch kết hợp nuôi 04 con bò sinh sản. Tuy giá bò hiện nay giảm, lợi nhuận không bằng như những năm trước nhưng nuôi với hình thức lấy công làm lời. Khi cần thiết có bò bán để trang trải chi phí trong sinh hoạt và sản xuất.

Chị Trần Thị Thu Thảo, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang cho biết: xác định hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình là nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, Hội triển khai nhiều giải pháp nhằm thay đổi nhận thức của hội viên phụ nữ về phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã và các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần phát thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững. Đồng thời chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của phụ nữ trong phát triển kinh tế, sáng tạo khởi nghiệp, nhất là tăng cường vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế hợp tác. Năm 2023, Hội chỉ đạo các cấp Hội rà soát nắm tình hình hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ để tiếp tục hỗ trợ thoát nghèo, phấn đấu cuối năm mỗi cơ sở Hội giảm 03 hộ nghèo. Để đạt mục tiêu này, Hội tranh thu các nguồn vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vốn vay cho phụ nữ với số tiền 50 triệu đồng tạo điều kiện cho các chị tham gia trồng trọt và chăn nuôi, giải quyết tạo việc làm. Ngoài ra, Hội tiếp tục thực hiện “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, khảo sát nhu cầu khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của chị em phụ nữ. Qua khảo sát từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện có 25 chị có nhu cầu vay vốn khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với số tiền 01 tỷ đồng. Đến nay, Hội quản lý các nguồn vốn vay của phụ nữ trên 220 tỷ đồng giúp 10.000 lượt chị vay.

Được biết, hiện xã còn 21 hội viên phụ nữ nghèo, hướng tới, Hội tranh thủ nguồn lực nhân rộng tổ hợp tác trồng màu, giúp các chị cải thiện thu nhập, thúc đẩy kinh tế gia đình, góp phần cùng địa phương đến cuối năm 2023 giảm 03 hộ nghèo.

Bài, ảnh: Mẫn Quân

 
thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 171
  • Trong tuần: 1 872
  • Tất cả: 283934