Cơ hội để hợp tác xã thay đổi phương thức kinh doanh truyền thống và chủ động sáng tạo trong các tình huống phát sinh
Tính đến ngày 23/9, Chương trình kết nối cung – cầu tiêu thụ sản phẩm cho hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (Chương trình 503) đã tiêu thụ được hơn 130 nghìn tấn rau củ quả và thủy sản, combo rau củ; 2.439.539 quả trứng gà, vịt; 12.550 lít dầu ăn các loại; 1.625 hộp nước mắm, trà… Đây là kết quả quan trọng của toàn hệ thống liên minh hợp tác xã trong việc kết nối tiêu thụ hàng cho các thành viên HTX, THT trong thời gian khó khăn cho dịch bệnh Covid-19.

Tháo gỡ khó khăn khi hàng tồn đọng quá nhiều

Chương trình 503 là chương trình của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thực hiện kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm cho các HTX, THT bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với phương pháp thu thập thông tin, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX, THT trên toàn quốc; ưu tiên đối với các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Sau đó, Chương trình 503 sẽ tổ chức kênh tiêu thụ tại:Chợ truyền thống, trung tâm/cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm của HTX, THT tại địa phương; chợ đầu mối của các tỉnh, thành phố; hệ thống các siêu thị, doanh nghiệp phân phối; doanh nghiệp chế biến; doanh nghiệp xuất khẩu; kênh tiêu thụ trực tuyến: Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Postmart, Voso…

Về kênh lưu thông hàng hóa, Chương trình sẽ thu thập thông tin, lựa chọn, giới thiệu các đơn vị vận tải hàng hóa; ưu tiên các HTX vận tải. Hỗ trợ các thủ tục pháp lý đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt từ đơn vị cung cấp đến nơi tiêu thụ.

Cùng với việc xây dựng Cổng thông tin điện tử phục vụ kết nối cung - cầu sản phẩm cho HTX, THT để hỗ trợ các HTX, THT đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Liên minh HTX Việt Nam triển khai dự án xây dựng Sàn thương mại điện tử hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho HTX, THT với mục tiêu xây dựng sàn thương mại điện tử hỗ trợ quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu vật tư, sản phẩm, dịch vụ, hợp tác đầu tư, sản xuất kinh doanh… cho các HTX, THT, doanh nghiệp thành viên với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã thực hiện có hiệu quả Chương trình 503 hỗ trợ thành viên HTX, THT tiêu thụ nông sản. Ảnh: Internet

Ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái cho biết các sản phẩm chủ lực của Yên Bái trên Cổng thông tin điện tử kết nối cung cầu gồm mì sợi, mì gạo, miến dong, các sản phẩm này đang cần tiêu thụ khoảng 20 tấn. Trong các loại chè, riêng chè đen, chè xanh xuất khẩu của Yên Bái đang tồn khoảng 3000 đến 4000 tấn. Hiện nay, có một số HTX chè của Yên Bái tiêu thụ thị trường trong nước còn 1 tấn đến 5 tấn, đây cũng là trăn trở của bà con HTX.

Bên cạnh các sản phẩm về miến, mì, chè, các sản phẩm gia cầm của Yên Bái còn 120 tấn, gia súc còn khoảng 250 đến 300 tấn, mật ong còn khoảng 5000 đến 6000 ngàn lít. Những sản phẩm này vẫn tiêu thụ được, nhưng còn rất chậm. Mong rằng thông qua chương trình 503 này, các đơn vị tiêu thụ sẽ liên lạc với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái nhằm hỗ trợ và tiêu thụ nhiều hơn nữa sản phẩm cho bà con.

May mắn đầu ra cho sản phẩm được hỗ trợ tiêu thụ

Ông Nguyễn Văn Triều ở ấp Ðịnh Khánh A, xã Ðịnh Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết, dịch COVID-19 khiến đầu ra xuất khẩu nhiều loại trái cây và nông sản gặp khó trong khi sức tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng giảm mạnh nên giá bán đang có chiều hướng giảm. Năm ngoái nhãn Ido có giá lên đến 24.000-28.000 đồng/kg nhưng gần đây giảm chỉ còn 18.000 đồng/kg, chúng tôi lo giá sẽ giảm nữa và không biết tiêu thụ có dễ dàng khi nhiều địa phương bước vào mùa thu hoạch rộ”. Theo ông Triều, việc tiêu thụ nhãn của phần lớn nông dân phụ thuộc vào thương lái. Trong bối cảnh phải hạn chế đi lại để phòng, chống dịch COVID-19, nông dân càng thêm khó trong việc tìm kiếm đầu mối tiêu thụ đến các vùng sản xuất của nông dân để thu mua sản phẩm và thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài. Nông dân rất mong ngành chức năng hỗ trợ quảng bá sản phẩm và kết nối cung - cầu, giúp bà con tiêu thụ nông sản.

Ðể thuận lợi trong kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, nông dân trồng nhãn Ido tại xã Ðịnh Môn đã liên kết thành lập Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Ðồng Tâm. HTX hiện có 56 xã viên, với diện tích trồng nhãn Ido khoảng 120ha, trong đó có 24ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các thành viên HTX, THT đã biết phương pháp giao dịch trên các sàn điện tử. Ảnh: Internet

Ðược HTX nông nghiệp Thân Thiện ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ bao tiêu đầu ra và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, nhiều nông dân tại phường Tân Hưng đã đưa cây bắp ngọt (bắp giống Mỹ) và nhiều loại rau màu khác vào sản xuất thành công trên nền đất ruộng. Anh Mai Văn Nghi, xã viên HTX nông nghiệp Thân Thiện có 1ha trồng bắp ngọt, cho biết: “Mỗi năm, nông dân có thể sản xuất tới 4 vụ bắp và có thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước đây làm 3 vụ lúa trong năm. Nhờ được HTX bao tiêu đầu ra nên tôi vẫn đang bán bắp được với giá ổn định ở mức 4.500 đồng/kg và với năng suất bắp đạt 1,8-2 tấn/công, tôi có thể kiếm lời khoảng 4 triệu đồng/công. Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nông dân chưa thể an tâm cho đầu ra sản phẩm, nhất là khi việc vận chuyển, đưa hàng đến nơi tiêu thụ đang gặp nhiều trắc trở. Các thành viên của hội đồng quản trị HTX phải nỗ lực rất nhiều để giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm”.

Theo ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc HTX nông nghiệp Thân Thiện, việc tiêu thụ bắp và các loại rau màu tại các mối lái mà HTX đã liên kết gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội và giá cả, sức tiêu thụ hàng bị sụt giảm, nhất là tại thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Ðông Nam Bộ. Tuy nhiên, HTX vẫn cố gắng thu mua bắp của nông dân với mức giá ổn định và HTX tích cực tìm kiếm thêm các mối lái và khách hàng để có thể tiêu thụ hết lượng bắp cho nông dân. HTX cũng rất mong ngành chức năng hỗ trợ cho HTX kết nối cung cầu và tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục đẩy mạnh liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Tiếp sức bà con vượt qua đại dịch

Theo ông Nguyễn Ngọc Quốc Trung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Viễn thông Thanh Liêm 1 ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Công ty đã kêu gọi đối tác, khách hàng và nhà hảo tâm góp tiền thu mua khoai lang tím từ Vĩnh Long mang về Cần Thơ tiêu thụ và tặng miễn phí cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần “tiếp sức” cho bà con vượt qua đại dịch COVID-19. Qua đó, giúp nông dân tiêu thụ hơn 10 tấn khoai lang, với mức giá 3.000 đồng/kg, cao gấp 6 lần so với giá khoai lang tím tại Vĩnh Long ở thời điểm có mức thấp kỷ lục, chỉ còn 30.000 đồng/tạ (60kg), tương đương với giá 500 đồng/kg và không có người mua.

Trong bối cảnh khó khăn, Liên hiệp HTX Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết, đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với Liên minh HTX tại các tỉnh, thành phố hỗ trợ phân phối các mặt hàng nông sản không tiêu thụ được. Đồng thời, phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam xây dựng sàn giao dịch nông sản nhằm hỗ trợ liên kết thông tin, tăng tiêu thụ nông sản địa phương.

Các mã nông sản đẹp đã được hướng dẫn thủ tục cần thiết kết nối bán trong hệ thống siêu thị. Ảnh: Internet

Nhìn nhận việc sản xuất nông sản cần nghiên cứu nắm bắt thị hiếu, thói quen tiêu dùng, ông Lê Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhấn mạnh tới vai trò của HTX trong việc đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho khoa học - kỹ thuật, công nghệ cho các HTX còn hạn chế. Vì vậy, Saigon Co.op kiến nghị, Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ, đầu tư cho các HTX, đặc biệt là HTX nông nghiệp để áp dụng công nghệ tạo ra sản phẩm tốt, có giá trị cao.

Trong thời gian tới, ông Lê Trường Sơn cho rằng, cần đẩy mạnh liên kết, kết nối thông tin giữa các HTX, địa phương với các doanh nghiệp phân phối, đồng thời nâng cao chất lượng hàng hóa. Mặt khác, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng lên rất nhiều, đặc biệt là chi phí test Covid-19. Do vậy, các doanh nghiệp bán lẻ mong muốn nhận được hỗ trợ từ Nhà nước để cắt giảm chi phí này. Thêm nữa, các HTX và THT cần phải nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục về hành chính như cần có các giấy chứng nhận chất lượng, bao bì đóng gói theo quy chuẩn để nhanh chóng có mặt trong hệ thống siêu thị Saigon Co.op.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, muốn đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thì việc phát triển thị trường nội địa rất quan trọng. "Thời gian tới, chúng ta phải xác định tiêu thụ thị trường nội địa là quan trọng nhất, từ đó định hướng sản xuất cho các địa phương. Cần có các chính sách hỗ trợ chế biến nông sản thực phẩm, xây dựng thương hiệu mạnh cho nông sản Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng

Qua tổng hợp từ các bộ ngành, địa phương và kết quả hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp, HTX ngày 08/8/2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Theo đó, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành để thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

“Chúng ta có thể thấy đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra nhiều thách thức song cũng đem lại cơ hội cho các HTX trong việc thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống và chủ động sáng tạo trong các tình huống phát sinh. Tuy nhiên, để các HTX có thể thích ứng, duy trì và phát triển bền vững thì luôn luôn cần có sự đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong mọi hoạt động của HTX. Để làm được điều đó, cần có sự quan tâm của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ngành và sự đồng hành của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để các HTX có thể tiếp cận và phát huy những đổi mới, sáng tạo và công nghệ ấy’- Ông Đặng Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục phát triển Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Có thể thấy, để có thể tận dụng cơ hội kịp thời và sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong đại dịch Covid-19 nói riêng và những biến động nói chung, các HTX cần được tổ chức hợp lý, linh hoạt và đủ nội lực để nâng cao năng lực thích ứng. Về tổ chức, các HTX thường chỉ tập trung vào khâu sản xuất, ít chú trọng đến quảng bá thương hiệu sản phẩm, nghiên cứu và tìm kiếm thị trường, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, nhân sự.

Do đó, HTX cần có sự thay đổi về tổ chức, đầu tư đồng đều và hài hòa giữa các khâu của quá trình sản xuất; chú trọng đến xúc tiến thương mại, hội nhập và liên kết; áp dụng thương mại điện tử và đa dạng hóa các kênh tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là đào tạo đội ngũ nhân sự có chất lượng cao. Bên cạnh đó, để đảm bảo và nâng cao sức khỏe, các HTX cần có nguồn tài chính đảm bảo, đa dạng hóa các kênh huy động vốn, đặc biệt là huy động từ thành viên trên cơ sở phát triển thành viên HTX.

Vân Khánh (tổng hợp)

Theo vca.org.vn

https://vca.org.vn/co-hoi-de-hop-tac-xa-thay-doi-phuong-thuc-kinh-doanh-truyen-thong-va-chu-dong-sang-tao-trong-cac-tinh-huong-phat-sinh-a23623.html

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 380
  • Trong tuần: 1 823
  • Tất cả: 283757