Liên hiệp Hợp tác xã lúa - gạo Trà Vinh: Tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ để sớm đưa vào hoạt động
Ngày 25/12/2020, Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) lúa- gạo Trà Vinh tiến hành đại hội, với 07 sáng lập viên là HTX trong lĩnh vực lúa, gạo. Sau đại hội, Liên hiệp HTX đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép kinh doanh từ tháng 01/2021. Tuy nhiên hiện nay, Liên hiệp HTX gặp không ít khó khăn trong qua trình hoạt động như về cơ sở vật chất, tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất...

Liên hiệp HTX lúa- gạo là một loại hình hoạt động kinh tế tập thể tương đối mới ở Trà Vinh. Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh: việc thành lập được Liên hiệp HTX là bước tiến đột phá, chứng tỏ kinh tế tập thể tỉnh nhà đã có bước phát triển, tuy nhiên khi đi vào hoạt động còn có những khó khăn nhất định; trong này các sáng lập viên đa số trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong lãnh đạo Liên hiệp HTX, bước đầu việc tập hợp các HTX vào Liên hiệp còn gặp nhiều khó khăn, cùng với đó là nguồn vốn còn yếu dẫn đến những bất lợi khi cạnh tranh ngoài thị trường; hiện Liên hiệp HTX chưa có trụ sở làm việc chính thức.

Để tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện các cơ chế chính sách hỗ trợ sớm đưa Liên hiệp HTX vào hoạt động, tỉnh đã triển khai hỗ trợ 02 cán bộ trẻ tham gia công tác tại Liên hiệp HTX và hỗ trợ chi phí thành lập mới; Ông Lê Văn Đông cho biết: Thông qua các chính sách của Trung ương, của tỉnh mới ban hành như Quyết định số 340/QĐ-TTg, ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021 - 2030; Quyết định số 298/QĐ-UBND, ngày 09/02/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh về ban hành Chương trình hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 48/QĐ-UBND, ngày 08/01/2021 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 134-NQ/CP, ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Trà Vinh… cùng với thực hiện các mục tiêu và chiến lược phát triển của Liên hiệp HTX đã nêu trong “Phương án sản xuất, kinh doanh” đã thông qua trong Hội nghị thành lập Liên hiệp HTX. Qua đó, hy vọng trong thời gian tới, Liên hiệp HTX sẽ tạo ra nhiều mô hình phát triển nông nghiệp mới, nâng cao thu nhập cho các HTX thành viên; qua đó tập hợp được nhiều HTX tham gia vào Liên hiệp HTX.

Cánh đồng lúa chất lượng cao xã Lương Hòa A, huyện Châu Thành.

Trong thời gian tới, với định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh trong việc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu lúa, gạo cho Liên hiệp HTX và các HTX nông nghiệp của tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành, địa phương từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, xây dựng các mô hình Liên hiệp HTX, HTX hoạt động có hiệu quả. Rà soát, đánh giá các mô hình để chọn mô hình điểm nhân rộng; tổ chức lại sản xuất trong các vùng sản xuất hàng hóa. Liên kết sản xuất đối với các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; phấn đấu mỗi địa phương có từ 20 - 30% số lượng nông sản tiêu thụ qua hợp đồng.

Đến năm 2020, Trà Vinh đã xây dựng và phát triển được 17 nhãn hiệu lúa gạo; tổng sản lượng lúa bình quân 05 năm ước đạt 5,888 triệu tấn, năng suất bình quân 5,45 tấn/ha/vụ. Riêng trong 03 năm (2017, 2018 và 2019) sản lượng lương thực của tỉnh vượt mốc trên 01 triệu tấn lương thực (lần lượt đạt: 1,14 triệu tấn; 1,24 triệu tấn; 1,254 triệu tấn)… trong này, diện tích lúa hữu cơ năm 2020 là 1.000ha và đến năm 2030 là 2.500ha.
Hiện toàn tỉnh có 152.941 máy móc thiết bị các loại phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (5.727 máy kéo, công suất từ 12 - 35CV; 105.151 máy bơm nước, 15.861 động cơ chạy xăng, dầu, 516 máy gặt đập liên hợp, 722 máy cày, 75 máy cuộn rơm, 301 máy tuốt lúa, 54 lò sấy, 103 dụng cụ gieo sạ, 24.431 bình phun thuốc trừ sâu có động cơ). Về kinh tế tập thể, cuối năm 2020, toàn tỉnh có 995 Tổ hợp tác sản xuất lúa, với 19.917 tổ viên; 135 HTX nông nghiệp với 8.421 thành viên), tổng diện tích đất tham gia hợp tác sản xuất 2.580ha, với 8.081 thành viên; vốn điều lệ 95,27 tỷ đồng, thu hút 9.384 thành viên.

Cũng theo ông Lê Văn Đông, trong thực hiện lồng ghép, kết hợp các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ cho HTX, Liên hiệp HTX của Trung ương, của tỉnh đã ban hành nhằm xây dựng vùng nguyên liệu trong sản xuất, xuất khẩu lúa - gạo cho Liên hiệp HTX nói riêng và các HTX nông nghiệp nói chung, góp phần xây dựng vùng lúa chất lượng cao, nâng cao chất lượng hạt gạo trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

 Bài, ảnh: HỮU HUỆ

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 13
  • Trong tuần: 139
  • Tất cả: 285619