Hợp tác xã, doanh nghiệp trong xây dựng và nhân rộng các hình thức sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp đã được nông dân, HTX, doanh nghiệp tham gia ứng dụng nhiều mô hình và phương thức canh tác thích ứng với tình hình biến đổi khi hậu (BĐKH). Qua đó, đã phát huy hiệu quả và giúp nông dân chủ động trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm vào sản xuất trong giai đoạn khô hạn, hay mặn xâm nhập; cảnh báo tình hình sâu bệnh gây hại qua bẫy đèn thông minh… 

Bà Huỳnh Thị Ửng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Cần cho biết: với đặc thù là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống (chiếm trên 62% dân số), chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Từ khi hệ thống kênh bê tông nổi Cầu Tre được đưa vào vận hành, đến nay việc sản xuất của nông dân, thành viên  hợp tác xã trên địa bàn đã đạt hiệu quả rất cao, ngoài giá trị kinh tế mang lại; việc làm thay đổi tập quán canh tác trong  thành viên HTX và nông dân được chuyển biến rất rõ nét. Thông qua đó, nông dân học tập, ứng dụng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật từ ngành chuyên môn vào trong sản xuất; năng suất lúa không ngừng tăng lên; chủ động tích cực trong thực hiện các kế hoạch sản xuất mang tính thích ứng cao với BĐKH…

Nông dân Thạch Rene (phải) kiểm tra mực nước từ trụ đo đặt ngoài ruộng qua smartphone. 

Với diện tích sản xuất lúa hàng năm đạt trên 1.500ha (03 vụ/năm), bên cạnh sự ra đời của hệ thống kênh bê tông nổi Cầu Tre với diện tích canh tác trong vùng là 110ha được thực hiện sản xuất khép kín và chủ động về nguồn nước, mùa vụ…Theo ông Huỳnh Văn Phép, Công chức Địa chính-Xây dựng xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần: trong sản xuất lúa của nông dân ở địa phương đã tích hợp được mô hình sản xuất “ngập-khô xen kẽ” được triển khai từ vụ lúa đông-xuân năm 2018-2019 nhằm giúp nông dân, thành viên HTX thích ứng với tình hình BĐKH, trước khó khăn về nguồn nước ngọt cũng như thực hiện nguồn nước tưới, nhằm điều tiết nguồn nước cho các vùng có điều kiện khó khăn hơn ở phía cuối nguồn tiếp ngọt. Bên cạnh đó, trong canh tác lúa sử dụng sạ hàng hiện có trên 85% diện tích sản xuất của Phú Cần được ứng dụng. Vụ đông-xuân năm 2021-2022 đạt 6,5 tấn/ha.

Mô hình sản xuất “ngập-khô xen kẽ” được trường Đại học Trà Vinh triển khai trong vùng kênh bê tông nổi Cầu Tre với diện tích 27,8ha, có 52 hộ tham gia. Đến cuối vụ lúa đông-xuân 2021-2022 đã có trên 50% diện tích sản xuất lúa trong xã được nông dân, thành viên HTX ứng dụng vào trong ruộng của gia đình. Nông dân Thạch Rene, ấp Cầu Tre, xã Phú Cần cho biết: gia đình tham gia thực hiện mô hình sản xuất “ngập-khô xen kẽ” trên diện tích 01ha. Ứng dụng mô hình có cái lợi cho nông dân là tiết kiệm được số lần bơm tát vào ruộng (từ 08-09 lần/vụ lúa, nay giảm còn 04 lần/vụ), mỗi lần tiết kiệm 300.000 đồng/ha. Ngoài tiết kiệm chi phí, sản xuất “ngập-khô xen kẽ” sẽ giúp cho lúa nở bụi tốt hơn, tăng năng suất, hạn chế lúa đổ ngã.

Ông Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTXNN Phú Cần cho biết: Mô hình “ngập-khô xen kẽ” giúp thành viên HTX và nông dân tiết kiệm khoảng 50% lượng nước bơm vào ruộng so với cách sản xuất truyền thống trước đây; còn về năng suất cũng đảm bảo từ bằng đến cao hơn so với ngoài mô hình. Đối với HTX cũng đã vận động các thành viên tham gia mô hình; tuy nhiên cái khó của mô hình là chi phí đầu tư thiết bị còn quá cao (nhất là bộ cảm biến trong cột đo nước) và thiết bị bơm chưa đồng bộ với hệ thống trạm bơm bê tông nổi. Riêng khu vực Đại Trường, xã Phú Cần nếu sản xuất đại trà theo mô hình “ngập-khô xen kẽ” là hiệu quả nhất, do toàn bộ khu vực này được đều tiết qua 01 trạm bơm đầu mối (đang triển khai thi công)

ông Lê Phúc Dễ, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thiên kiểm tra sự phát triển của lúa qua sử dụng phân hữu cơ TTP Global.

Sản xuất “ngập-khô xen kẽ” thông qua thiết bị đo nước hình trụ được đặt ở giữa ruộng lúa. Nông dân sẽ sử dụng thiết bị smartphone dụng lại hình ảnh cột đo và gửi về Trung tâm để theo dõi và sẽ phản hồi lại để khuyến cáo nông dân cần bơm nước vào ruộng hay không. Việc sản xuất tiết kiệm nước trong giai đoạn hiện nay (khô hạn, mặn xâm nhập) sẽ giúp nông dân chủ động việc đưa nước vào ruộng với các chu kỳ sinh trưởng của lúa một cách phù hợp. Đây là một trong giải pháp tổng hợp để nông dân sản xuất thích ứng BĐKH. Cũng theo ông Huỳnh Văn Phép, hiện nay, để tiếp tục thực hiện giải pháp trong chủ động sản xuất lúa, Phú Cần đang triển khai hệ thống trạm bơm khu vực ấp Đại Trường-Cầu Tre, phục vụ diện tích sản xuất 200ha chuyên lúa. Tại một số vùng, địa phương sẽ tập trung quy hoạch sản xuất  theo hướng phù hợp BĐKH, vùng chuyên canh màu Ô Ét, Đại Trường…

Còn tại Công ty TNHH Thuận Thiên (xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú) đã phối hợp với Công ty CP Đầu tư  TTP Global (Thành phố Hồ Chí Minh) trong triển khai thực hiện sử dụng chế phẩm phân hưu cơ trong canh tác lúa nhằm cải tạo đất, nâng cao chất lượng hạt gạo theo hướng hữu cơ phục vụ xuất khẩu. Theo ông Lê Phúc Dễ, Giám đốc Công ty TNHH Thuận Thiên: Doanh nghiệp tham gia thực hiện thử nghiệm 06ha, bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại rất cao: giảm chi phí (khoảng 13 triệu đồng/ha sử dụng hữu cơ, giảm được khoảng 09 triệu đồng/ha so với sử dụng chuyên phân bón hóa học); năng suất dao động 7,5-08 tấn/ha; đặc biệt là việc cải tạo đất tơi xốp; lúa nẩy bụi tốt hơn. Nếu sử dụng phân hưu cơ sinh học liên tục từ năm thứ 3 trở về sau sẽ kéo giảm thêm 30-40% lượng phân như giai đoạn đầu. Hiện phía doanh nghiệp đang liên kết sản xuất với nông dân có bao tiêu sản phẩm (thu mua lúa) khoảng 500ha, giá mua cao hơn ngoài khoảng 1.000 đồng/kg với giống ST 25.

Bài, ảnh: HỮU HUỆ

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 137
  • Trong tuần: 1 838
  • Tất cả: 283900