Trồng màu trên đất lúa theo mô hình kinh tế hợp tác
Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất trong điều kiện biến đổi khí hậu, thời gian qua, tỉnh tập trung vận động Nhân dân tích cực tham gia các mô hình kinh tế tập thể gắn với thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, bố trí cây trồng phù hợp từng vùng và địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế gia đình. 

Trong thực hiện chuyển đổi cây trồng phải kể đến mô hình kinh tế hợp tác trồng màu của bà Thạch Thị Lành, ấp Nô Lựa B, xã Nhị Trường, chọn trồng cây bầu, bí, khổ qua, dưa leo trên 0,4ha đất lúa để cải thiện kinh tế gia đình. Theo bà Lành, từ khi liên kết vùng nguyên liệu trồng màu với hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Nhật Linh, bà được HTX đầu tư cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và bao tiêu sản phẩm rau củ quả với giá 4.000 đồng/kg. So với cây lúa, trồng màu tuy cực công chăm sóc, nhất là thời điểm cày xới, lên liếp, làm giàn lưới, xuống giống, nhưng lợi nhuận cao gấp 04 - 05 lần, mỗi vụ hoa màu bà thu lợi nhuận từ 05 - 06 triệu đồng/1.000m2. Bà Lành cho biết: trước đây khi chưa liên kết sản xuất rau màu với HTX, gia đình bà gặp nhiều khó khăn nhất là thời điểm tái đầu tư vụ mới, chi phí giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật bà phải mua gói đầu giống và ứng tiền mua phân thuốc của các thương lái, đến khi thu hoạch hoa màu bán theo giá của thương lái đưa ra. Từ khi liên kết với HTX, sản phẩm nông sản không chỉ bán giá bao tiêu, còn được tăng giá theo thị trường, lợi nhuận tăng khá hơn trước. Có thể nói hoạt động của HTX góp phần hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu cho những hộ khó khăn thiếu vốn sản xuất và thu hồi vốn sau thu hoạch nên các hộ dân nơi đây rất an tâm đầu ra, tăng thêm lợi nhuận.

Rẫy bầu của bà Thạch Thị Lành

Đến năm 2020, toàn huyện Cầu Ngang có 325 tổ hợp tác với 6.683 thành viên hoạt động ở các lĩnh vực khai thác thủy sản, nuôi thủy sản, trồng màu, lúa,… quy mô hoạt động của tổ hợp tác bình quân 01 hộ trồng lúa/màu có diện tích đất tham gia hợp tác từ 0,5 - 0,7ha, 01 hộ nuôi thủy sản có diện tích đất tham gia hợp tác từ 0,3 - 0,5ha mặt nước, ước doanh thu bình quân của 01 tổ hợp tác 1,5 tỷ đồng, lãi suất bình quân của 01 tổ hợp tác khoảng 650 triệu đồng. Về HTX, hiện nay trên địa bàn huyện có 22 HTX thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản đang hoạt động theo luật HTX năm 2012 với 1.097 thành viên. Tính đến nay, các HTX hoạt động đều có hiệu quả, doanh thu bình quân 01 HTX khoảng 235 triệu đồng, lãi suất bình quân khoảng 58 triệu/HTX. Trong năm, huyện đã đầu tư 135 triệu đồng cho 03 HTX thực hiện 03 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiên trong trồng trọt và chăn nuôi. Nhìn chung, 03 mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế và có khả năng nhân rộng trong xã viên. Trong năm 2021, huyện tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, trọng tâm là phát triển các hình thức kinh tế hợp tác. Phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương khảo sát tình hình hoạt động của từng hợp tác xã, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho từng hợp tác xã từng bước tháo gỡ những khó khăn giúp hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, luật về kinh tế tập thể; đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa về loại hình, quy mô, phù hợp điều kiện và nhu cầu của từng vùng, đưa kinh tế tập thể trở thành thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần cải thiện đời sống đời sống nhân dân trong vùng.

Có thể nói, công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia mô hình tổ hợp tác gắn với thực hiện chuyển đổi cây trồng là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy lộ trình xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, những năm qua, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành liên quan và địa phương tích cực tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh công tác khuyến nông, bảo vệ thực vật… để đưa các cây con, giống mới vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Đến nay, toàn tỉnh có 01 Liên hiệp HTX và 169 HTX với 28.884 thành viên, giải quyết việc làm 1.548 lao động, trong đó có 122 HTX nông nghiệp, 31 HTX phi nông nghiệp, 16 quỹ tín dụng. Song song đó, các tổ hợp tác hoạt động khá hiệu quả góp phần tăng thu nhập, tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, là tiền đề để phát triển lên thành HTX. Đến nay, toàn tỉnh hiện có 2.066 THT, với 41.860 thành viên. Năm 2021, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục vận động, khuyến khích và phối hợp thành lập mới HTX, THT, phát triển, nhân rộng các mô hình HTX, THT điển hình, tiên tiến. Tập trung rà soát, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, THT trên địa bàn tỉnh; giải thể các HTX ngừng hoạt động; đẩy mạnh liên doanh, liên kết giữa các HTX, THT với nhau và giữa HTX, THT với các thành phần kinh tế khác; liên kết chặt chẽ giữa phát triển sản xuất gắn với thị trường, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 

MỸ NHÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 22
  • Trong tuần: 218
  • Tất cả: 285502