Điển hình trong hoạt động kinh tế hợp tác
Tiêu chí 13 về hình thức tổ chức sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương và có vai trò quan trọng trong XDNTM.   

Tuy nhiên, tiêu chí 13 là khó khăn, thách thức đối với hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh, trong đó có huyện Trà Cú, bởi điều kiện sản xuất của nông dân còn manh mún, chưa phù hợp và nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của kinh tế hợp tác còn hạn chế. Do đó, rất cần thiết phải củng cố, đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác nhằm tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM.

Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trên địa bàn huyện Trà Cú, đến nay, huyện thành lập được 26 HTX với 5.810 thành viên, góp vốn điều lệ gần 27,5 tỷ đồng. Trong đó, 19 HTX lĩnh vực nông nghiệp, 02 HTX lĩnh vực thủy sản, 01 HTX lĩnh vực vận tải, 01 HTX lĩnh vực xây dựng, 01 HTX thương mại - dịch vụ, 03 Quỹ tín dụng nhân dân và 258 tổ kinh tế hợp tác với 5.634 thành viên.

Ao nuôi tôm của thành viên HTX nông nghiệp An Thới, xã Định An.

Các HTX đã cung ứng các sản phẩm dịch vụ đa dạng cho các thành viên trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, nổi bật là HTX nông nghiệp Long Hiệp (xã Long Hiệp), HTX nông nghiệp An Thới (xã Định An)… Những HTX này chủ động vốn trong kinh doanh, đáp ứng tốt về nguồn vốn cho thành viên, tạo điều kiện cho người nghèo, người có thu nhập thấp, cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ vay vốn sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao thu nhập cho nông thôn.

HTX nông nghiệp Long Hiệp thành lập năm 2018, với 72 thành viên, vốn điều lệ 2,86 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu đầu tư trồng lúa hữu cơ chất lượng cao, cung ứng gạo sạch ra thị trường với thương hiệu Hạt Ngọc Rồng, được UBND tỉnh công nhận đạt OCOP 04 sao, doanh thu năm 2020 đạt 1,23 tỷ đồng, lợi nhuận 267 triệu đồng. HTX được hỗ trợ hệ thống đóng gói gạo tự động, gàu tải cấp liệu tự động, xây dựng bảo hộ nhãn hiệu… tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu thị trường. 
Anh Trầm Minh Thuần, Giám đốc HTX nông nghiệp Long Hiệp chia sẻ: HTX cố gắng đưa thương hiệu gạo Trà Vinh đến với nhiều thị trường, đồng thời, liên kết sản xuất với nông dân địa phương, giúp người dân tích cực hơn trong tham gia kinh tế hợp tác, tạo ra sản phẩm gạo sạch, tạo niềm tin cho người tiêu dùng; giúp nông dân đạt lợi nhuận cao trong sản xuất.

HTX nông nghiệp An Thới, xã Định An cũng được đánh giá cao trong thực hiện mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực đặc thù của địa phương là tôm thẻ chân trắng và cá lóc. Với 55 thành viên hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, HTX nông nghiệp An Thới liên kết với các thành viên để tập trung tư liệu sản xuất và tổ chức sản xuất. Đồng thời, liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và tìm đầu ra cho thành viên, ngoài ra, thỏa thuận với ngân hàng vay vốn sản xuất.

Anh Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc HTX nông nghiệp An Thới cho biết: hoạt động của HTX từng bước hiệu quả, là nơi cung ứng các dịch vụ đầu vào đáng tin cậy cho các thành viên và người dân trên địa bàn xã, nhất là con giống, thuốc thủy sản… đặc biệt, phối hợp tập huấn về quy trình sản xuất an toàn, không dùng kháng sinh nhằm nâng cao chất lượng thủy sản của người dân địa phương.

Ông Ngô Văn Sở, thành viên HTX nông nghiệp An Thới cho biết: gần 03 năm tham gia HTX, tôi và các thành viên đã niềm tin bởi ban giám đốc HTX hỗ trợ nông dân rất nhiều trong sản xuất, nhất là tư vấn kỹ thuật nuôi và liên kết nguồn nguyên liệu đầu vào. Riêng gia đình tôi, từ khi tham gia HTX, qua 04 vụ nuôi tôm thẻ chân trắng có 03 vụ đạt lợi nhuận, riêng vụ vừa rồi do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tôm đến kỳ thu hoạch nhưng không bán được nên ảnh hưởng đến thu nhập cuối vụ.

Theo bà Trần Thị Thanh Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Định An, hoạt động của HTX nông nghiệp An Thới khá hiệu quả, đáp ứng các điều kiện trong hoạt động, có liên kết đầu vào và đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm của các thành viên, liên kết hợp tác có hiệu quả, đạt theo tiêu chí quy định. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực của xã là cá lóc và tôm thẻ chân trắng, đảm bảo phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, giúp nâng cao đời sống Nhân dân. Tuy nhiên, HTX đang gặp khó khăn về nhân sự quản lý, do đó, địa phương sẽ tìm cách tháo gỡ khó khăn này, giúp HTX tiếp tục hoạt động đạt hiệu quả, góp phần cùng địa phương xây dựng xã NTM nâng cao.

Theo ông Huỳnh Văn Thảo, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trà Cú, kinh tế hợp tác, HTX hướng đến mục tiêu giúp người dân liên kết sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, số HTX hoạt động hiệu quả không nhiều, nhiều HTX, tổ hợp tác bộc lộ các điểm yếu cần khắc phục. UBND huyện đã tổ chức nhiều hội nghị thảo luận những khó khăn trong phát triển kinh tế hợp tác, nhất là các HTX nhằm gắn kết thị trường tiêu thụ, xây dựng phát triển vùng nguyên liệu ổn định, giúp nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác và sản phẩm nông nghiệp của địa phương trong bối cảnh thị trường hiện nay. Từ đó, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và XDNTM của địa phương.

Bài, ảnh: NGỌC XOÀN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 69
  • Trong tuần: 1 770
  • Tất cả: 283832