Hội thảo “Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”:Phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết
Chiều ngày 26/11, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo “Cơ chế chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn”. Chủ trì Hội thảo gồm có đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26/NQ-TW, đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW; đồng chí Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính; đồng chí Cao Đức Phát, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương.

Quang cảnh Hội thảo

Cần nhiều chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng và kết quả thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; đề xuất các quan điểm, mục tiêu, giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước từ các thành phần kinh tế cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045 nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn bổ sung các luận điểm xây dựng Nghị quyết mới về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trình BCHTW tại Hội nghị TW5 (khoá XIII).

Sau hơn 13 năm thực hiện Nghị quyết, nông nghiệp có bước phát triển vượt bậc, theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế trong những thời điểm kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong giai đoạn chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 hiện nay.

Đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26/NQ-TW phát biểu tại Hội thảo

Giai đoạn 2008 - 2020, nông nghiệp nước ta duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao 2,94%/năm và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện hơn. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng trưởng 8,17%/năm, cán cân thương mại liên tục xuất siêu, nông sản Việt Nam có mặt trên 196 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam thành một trong những cường quốc nông sản; bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, giảm nghèo bền vững. Năm 2020 sản lượng lúa gạo bình quân đầu người đạt 438,2 kg, cao hơn Thái Lan và gấp 3,5 lần Ấn Độ.

Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới về đích sớm trước 1,5 năm, với những thành tựu to lớn, toàn diện và lịch sử. Nông thôn Việt Nam có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng cải thiện, kinh tế phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn được nâng cao. Kinh tế nông thôn phát triển, chuyển đổi nhanh. Thu nhập bình ở nông thôn tăng nhanh hơn đô thị, từ 12,8 triệu đồng/người/ năm 2010 lên trên 42 triệu đồng/người năm 2020, vượt mục tiêu đề ra; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm nhanh, bình quân giảm khoảng 1,5%/năm và đến hết năm 2020 còn 4,2%. Môi trường cảnh quan ngày càng cải thiện, xuất hiện ngày càng nhiều các làng, xã xanh - sạch - đẹp.

Đạt được những thành tựu về nông nghiệp, nông thôn nêu trên có phần là nhờ sự lỗ lực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tích cực thể chế các chủ trương của Đảng, ban hành tương đối kịp thời, tương bộ những cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, như: chính sách hỗ trợ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, công nghệ cao trong nông nghiệp; chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đào tạo nghề cho nông dân; chính sách tín dụng hỗ trợ các chủ thể kinh tế trong sản xuất, kinh doanh các ngành hàng, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ hợp tác xã, hỗ trợ liên kết, theo chuỗi giá trị sản phẩm; chính sách về chế biến, hỗ trợ tiêu thụ nông sản, phát triển hạ tầng, thuỷ lợi… Những chính sách trên cùng với những chính sách an sinh xã hội, tạo thành lưới chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập nhằm thực hiện mục tiêu “không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn” đã được nêu trong NQ26-NQ/TW.

Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn

“Để phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, biến thách thức thành thời cơ và triển khai thực hiện những yêu cầu mới do Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn như đã nêu trên. Trong thời gian tới công tác thể chế, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn là hết sức nặng nề, trong đó có hệ thống các cơ chế chính sách về nguồn lực có tính chất quyết định; đòi hỏi phải đánh giá đúng tình hình, đề xuất quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đúng đắn, có tính khả thi. Do vậy, rất cần có sự tham gia nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm của các cơ quan, các chuyên gia, các nhà khoa học về các lĩnh vực, đặc biệt là việc thực hiện các chủ trương “huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn””, đồng chí Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thành viên Ban chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 26-NQ/TW

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Bảo,  Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam nhấn mạnh, trong các thời kỳ phát triển của đất nước, thực tiễn 02 năm phòng, chống dịch Covid-19 và tái cơ cấu nền kinh tế những năm tới, nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế - xã hội. Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ về cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 yêu cầu đẩy mạnh nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ; tập trung phát triển đối với nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia (lúa gạo, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn, thịt lợn, thịt và trứng gia cầm, cá tra, tôm, gỗ) và cấp tỉnh theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn công nghiệp chế biến nông sản, theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững với tỷ lệ giá trị nông sản đạt trên 30%.

Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 yêu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng kinh tế số trong nông nghiệp đạt tối thiểu 10%. Để đạt được mục tiêu và yêu cầu này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số là giải pháp quan trọng và cấp thiết.

 

“Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm nông sản là tổng thể các hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm nông sản tại mỗi bước trong quy trình từ cung ứng đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến và phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Ứng dung công nghệ cao và chuyển đổi số trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản là việc thay đổi mô hình sản xuất - kinh doanh, tăng sản lượng và giá trị nông sản; các thành phần kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao hơn; xử lý hài hoà lợi ích, nhất là lợi ích của nông dân, quản trị được rủi ro thị trường và tác động của biến đổi khí hậu. Đặc tính của nông sản dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, khí hậu, điều kiện bảo quản, vận chuyển cho nên việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông sản gặp trở ngại và khó khăn hơn nhiều so với sản phẩm công nghiệp, dịch vụ”- TS Nguyễn Ngọc Bảo cho biết.

Tại Hội thảo, các đại biểu được lắng nghe các tham luận về phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực quốc giá, cấp tỉnh gắn với ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số nhằm huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư có hiệu quả; Cơ chế, chính sách huy động và sử dụng nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; Cơ chế, chính sách tài chính phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045… Bên cạnh đó, các đại biểu sẽ thảo luận về các vấn đề cơ chế, chính sách huy động nguồn lực cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

 Quang Trung - Quỳnh Trang
Ảnh: Lê Huy

 

Theo vca.org.vn

https://vca.org.vn/hoi-thao-co-che-chinh-sach-huy-dong-nguon-luc-cho-phat-trien-nong-nghiep-nong-thonphat-trien-cac-chuoi-gia-tri-san-pham-nong-san-chu-luc-gan-voi-ung-dung-cong-nghe-cao-va-chuyen-doi-so-la-giai-phap-quan-trong-va-cap-thiet-a24422.html

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 15
  • Trong tuần: 140
  • Tất cả: 285600