Tập trung nguồn lực hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển
Hoạt động kinh tế tập thể những năm gần đây trên địa bàn tỉnh có bước phát triển mới với nhiều hình thức hoạt động phong phú và đa dạng. Tuy nhiên để kinh tế tập thể vượt qua khó khăn và hoạt động đúng hướng, tỉnh cần tập trung nguồn lực để đưa kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả bền vững.

Hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế hợp tác

Để từng bước củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động kinh tế hợp tác, hợp tác xã, những năm gần đây, tỉnh luôn chú trọng công tác đào tạo nâng cao năng lực điều hành hợp tác xã và hỗ trợ vốn phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi sản phẩm, sản phẩm OCOP… Đến nay, toàn tỉnh có 11 hợp tác xã đang vay vốn với gần 5,9 tỷ đồng; dư nợ hiện còn gần 2,9 tỷ đồng. Bên cạnh nguồn lực hỗ trợ hoạt động kinh tế hợp tác, hợp tác xã phát triển sản xuất.

Nông dân Thạch Đoàn, ấp Bình La, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành khá lên nhờ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh 10 triệu đồng đầu tư vào trồng màu trên đất lúa kém hiệu quả. Ông Đoàn cho biết: do hoàn cảnh nghèo, quanh năm sống bằng nghề làm thuê và được Nhà nước quan tâm hỗ trợ vốn, nhà ở gia đình ông cần cù lao động từng bước vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá. 

anh tin bai

Nông dân Thạch Đoàn thu hoạch khổ qua.

Theo ông Đoàn, 07 năm gần đây ông chuyển 0,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ớt chỉ thiên, cà tím, khổ qua lợi nhuận cao gấp 04 - 05 lần so với cây lúa. Ban đầu ông chuyển đổi 1.000m2 trồng màu các loại xoay vòng 03 - 04 vụ/năm, lợi nhuận bình quân 08 - 10 triệu đồng/1.000m2. Sau đó, ông chuyển hết diện tích lúa của gia đình 0,3ha sang trồng màu. Bên cạnh đó, vào mùa khô ông thuê gần 0,2ha đất trồng màu thêm tránh tình trạng dội hàng đụn chợ. Nhờ chí thú làm ăn, dám nghĩ dám làm nên kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Khi tích lũy được vốn ông đầu tư mua máy cày để tăng thêm thu nhập. Cùng với đó, địa phương tạo điều kiện vay vốn trên 10 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư vào trồng trọt và chăn nuôi.

Ông Đoàn cho biết thêm: mỗi vụ lúa ông nhận cày thuê khoảng 20ha, thu nhập khoảng 2,5 triệu đồng/ha. Ngoài việc đi cày thuê, ông tập trung chăm sóc 0,3ha màu. Hiện nay ông đang trồng khổ qua. Đối với loại cây trồng này chi phí đầu tư thuốc bảo vệ thực vật khá nhiều. Do đó, để hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm chi phí, tăng thu nhập, hướng đến sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng, ông đầu tư loại sản phẩm long não để xua đuổi côn trùng bằng hình thức bỏ long não vào chai nhựa nước tinh khiết treo ở trên dàn khổ qua. Nhờ áp dụng vậy khổ qua ra trái chất lượng, ít bị đục trái. Theo quy trình khổ qua thu hoạch cách ngày 01 lần, tuy áp dụng cách này sản lượng nhiều nhưng khổ qua cho trái không đồng đều. Vì thế, ông áp dụng phương pháp thu hoạch mỗi ngày, tuy sản lượng không nhiều nhưng khổ qua cho trái đồng đều hơn.

Theo đồng chí Lý Văn Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Hòa, Tổ hợp tác trồng màu của xã hiện có 21 thành viên tham gia sản xuất 4,7ha. Đây là mô hình kinh tế hợp tác được địa phương đánh giá hoạt động đạt hiệu quả, góp phần đẩy mạnh đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Để hoạt động kinh tế tập thể tiếp tục phát triển bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục tranh thủ nguồn vốn tín chấp từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Quỹ Hỗ trợ nông dân đầu tư vốn cho hội viên nông dân vay; đồng thời vận động hội viên nông dân tích cực sản xuất, cơ cấu cây trồng và bố trí mùa vụ hợp lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng thị trường.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Hợp tác xã nông nghiệp Hạnh Mỹ, xã Mỹ Long Bắc, huyện Cầu Ngang những năm qua góp phần tích cực trong chuyển dịch tái cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển và làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Ông Phạm Tấn Lợi, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Hạnh Mỹ cho biết: hiện hợp tác xã có 51 thành viên tham gia sản xuất 28ha. Từ khi các thành viên hợp tác xã từ sản xuất 01 vụ lúa sang sản xuất 02 - 03 vụ màu và 01 vụ lúa, kinh tế ngày càng phát triển, lợi nhuận bình quân trồng màu từ 100 - 150 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt là sản xuất dưa hấu và bí đỏ, đây là 02 cây trồng chủ lực của các thành viên hợp tác xã. Ngoài phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình, các thành viên hợp tác xã đóng góp quan trọng vào đề án tái cơ cấu nông nghiệp, giải quyết nhiều lao động nông thôn trong mùa vụ sản xuất dưa hấu. Để hợp tác xã hoạt động hiệu quả hơn, các cấp các ngành hỗ trợ nguồn lực vốn, liên kết tiêu thụ sản phẩm giúp các thành viên hợp tác xã nói chung và người dân nói riêng an tâm lao động sản xuất.

anh tin bai

Rẫy dưa của nông dân Lê Hữu Tài, ấp Hạnh Mỹ.

Với 01ha đất sản xuất hàng năm, vào mùa vụ dưa hấu gia đình ông giải quyết 10 - 20 lao động, nhất là thời điểm thu hoạch giải quyết lao động gấp đôi so với thời điểm xuống giống, chăm sóc dưa hấu, công lao động tham gia thu hoạch dưa hấu tăng cao. Thu hoạch dưa hấu vào thời điểm ban đêm, sau đó vận chuyển lên đường nhựa cung cấp thương lái. Năng suất ở vụ dưa hấu này đạt từ 30 - 40 tấn/ha, lợi nhuận ước đạt 120 - 150 triệu đồng.

Nông dân Lê Hữu Tài, thành viên hợp tác xã nông nghiệp Hạnh Mỹ áp dụng chuyển đổi từ 01 vụ lúa sang 02 vụ màu - 01 vụ lúa trên diện tích 0,6ha. Theo ông Tài, từ khi chuyển đổi đất sản xuất, thu nhập tăng lên đáng kể. Mặc dù những năm gần đây, do ảnh hưởng thị trường, giá bán luôn biến động thất thường, chi phí sản xuất và nhân công lao động tăng cao, người trồng rẫy vẫn đạt lợi nhuận nhưng vẫn không nhiều so với những năm đầu chuyển đổi.

Theo đồng chí Phương Thị Thúy Hảo, Chủ tịch UBND xã Mỹ Long Bắc, xã có 11 tổ hợp tác và 02 hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm 315 lao động tại địa phương. Xã có 02 mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm chủ lực đảm bảo bền vững (dưa hấu, bí đỏ). Các mô hình này đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động nông thôn. Để định hướng kinh tế tập thể phát triển hoạt động đúng hướng, thời gian tới, xã tập trung vào các hoạt động tuyên truyền, vận động thành lâp mới tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ, tư vấn giúp đỡ các tổ hợp tác, hợp tác xã, củng cố các tổ hợp tác, hợp tác xã kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc và dự báo xu hướng phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Xây dựng các dự án đầu tư công có chuyển đổi số đối với khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. 

 

Bài, ảnh: MẪN QUÂN
thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 7
  • Trong tuần: 143
  • Tất cả: 285787