Thương hiệu dừa sáp vươn xa
Dừa là cây trồng có giá trị kinh tế cao, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, cây dừa có khả năng thích nghi cao. Mặc dù không nổi tiếng như tỉnh Bến Tre, nhưng Trà Vinh nổi tiếng cả nước với đặc sản dừa sáp ở huyện Cầu Kè gần 780ha.

Khai thác giá trị cây dừa sáp

Nhiều năm trước, dừa sáp chưa có giá trị nhiều về kinh tế, do dừa sáp chỉ mang giá trị làm thức ăn chơi cho người dân địa phương cũng như du khách khi có dịp đến Trà Vinh. Với món ăn lạ chỉ thuộc về vùng đất huyện Cầu Kè, nên sức hấp dẫn của trái dừa sáp ngày càng chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước. Từ đó diện tích dừa sáp của huyện ngày càng mở rộng.

Nông dân Thạch Dách, ấp Chông Nô 2, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè là hộ dân có kinh nghiệm trồng dừa sáp truyền thống nhiều năm cho biết: ban đầu nhận thấy độc canh cây lúa không đủ nuôi sống gia đình nên ông chuyển 0,4ha lên liếp trồng dừa sáp đem lại hiệu quả cao hơn nhiều lần so với cây lúa. Sau đó ông mạnh dạn chuyển đổi các diện tích còn lại, đến nay gia đình ông có khoảng 1,5ha dừa sáp, hàng tháng thu hoạch 02 đợt, bình quân từ 50 - 60 trái/đợt, giá bán hiện nay dao động từ 30.000 - 100.000 đồng/trái tùy loại. 
Trước sự hấp dẫn của hương vị đặc trưng và giá trị kinh tế của dừa sáp, những năm gần đây, các nhà nghiên cứu thành công giống dừa sáp cấy phôi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Dừa sáp cho năng suất trung bình 43 quả/cây/năm với tỷ lệ sáp từ 10 - 20%, còn giống dừa sáp cấy phôi tỷ lệ sáp đạt 70 - 90%, có thể tăng gấp 05 - 10 lần so với cây dừa sáp trồng truyền thống. Hiện trên địa bàn huyện Cầu Kè có 779,4ha dừa sáp, tương đương 171.468 cây, sản lượng trung bình 3,367 triệu trái/năm, trong đó có 2.258 cây dừa sáp cấy phôi.

anh tin bai

Nông dân Thạch Chanh chia sẻ cách phân loại dừa sáp đặc, dừa sáp sệt trước khi thu hoạch với cán bộ Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân.

Nông dân Thạch Chanh, ngụ cùng ấp đã chuyển đổi 1,5ha đất lúa sang trồng dừa sáp mang lại thu nhập từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Ngoài 150 cây dừa sáp truyền thống, ông mở rộng trồng 100 cây dừa sáp cấp phôi. Với ông Chanh, dừa sáp truyền thống tuy có hương vị đặc trưng, nhưng tỷ lệ sáp đạt ít, còn dừa sáp cấy phôi tỷ lệ sáp đạt từ gần 90%. Tuy giống cây dừa sáp cao gấp 20 lần so với giống dừa sáp truyền thống nhưng để cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, ban đầu ông mua cây giống trồng thử nghiệm khoảng 20 cây, nhận thấy phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và tỷ lệ sáp cao, nên ông mở rộng lên 100 cây trên diện tích 0,4ha. Theo ông Chanh, mặc dù tỷ lệ dừa sáp cấy phối nhiều hơn nhưng chất lượng tương đương với dừa sáp truyền thống.

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân cho biết: hiện hợp tác xã có 43 thành viên tham gia sản xuất dừa sáp theo tiêu chuẩn VietGAP với 32ha. Hàng tháng hợp tác xã liên kết thu mua dừa sáp của các thành viên và cơ sở bình quân khoảng 200 trái cung ứng Vicosap đáp ứng nhu cầu sản xuất của Công ty. Tuy giá dừa hiện nay giảm dao động còn 30.000 - 100.000 dồng/trái, nhưng hợp tác xã vẫn thu mua hơn giá thị trường khoảng 10.000 đồng/trái tùy loại sản phẩm (dừa sáp đặc, sáp sệt, sáp lỏng). Đối với Vicosap, nhu cầu đòi hỏi dừa sáp chế biến sản phẩm dừa sáp sệt, nên việc liên kết thu mua nguyên liệu của các thành viên không đảm bảo, vì thế, hợp tác xã kết nối với các cơ sở thu mua dừa nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho Vicosap. Bên cạnh đó, nhằm tạo lòng tin và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, hợp tác xã được sở, ngành tỉnh quan tâm hỗ trợ 10.000 tem truy xuất nguồn gốc, 1.500 tem OCOP.

Chế biến trái dừa sáp thành nhiều sản phẩm 

Do có độ tinh dầu cao, độ béo cao, nên những năm gần đây nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã chế biến nhiều dòng sản phẩm từ dừa sáp như: mứt dừa sáp, kẹo dừa sáp, sữa chua dừa sáp… đặt biệt là sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè là sản phẩm đầu tiên trong nước đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia.

Ông Trần Duy Linh, Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè cho biết: khởi nghiệp đầu tiên sản phẩm trái dừa sáp hút chân không với mong muốn vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa bảo quản lâu kéo dài thời hạn sử dụng, còn tiếp cận vào các hệ thống siêu thị. Tiếp đến để khai thác sâu sản phẩm dừa sáp, Công ty đã chế biến dừa sáp thành nhiều sản phẩm như dừa sáp kẹo dừa sáp, dừa sáp sợi Vicosap, dừa chua từ dừa sáp, dừa sáp sấy dòn tan, kẹo dừa sáp… Từ khi trái dừa sáp được chế biến thành nhiều dòng sản phẩm và có mặt tại các hệ thống siêu thị, các sân bay lớn trong nước và được sở, ngành tỉnh hỗ trợ kết nối đưa lên sàn thương mại điện tử, từ đó các sản phẩm của Vicosap đã được xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp thị trường Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông,… Ngoài ra, trong quá trình sản xuất Vicosap được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh, Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh hỗ trợ trên 200 triệu đồng đầu tư trang thiết bị nâng cao chất lượng sản xuất, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

anh tin bai

Đồng chí Thái Phước Lộc (giữa), Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Trà Vinh tìm hiểu sản phẩm dừa sáp sợi Vicosap đạt chuẩn OCOP cấp quốc gia của Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè.

 

Với ông Linh, hiện nay một số tỉnh lân cận đã áp dụng trồng thành công cây dừa sáp, nhất là dừa sáp cấy phôi phục vụ thị trường, nhưng Vicosap luôn giữ vững lập trường chế biến dừa sáp truyền thống phục vụ người tiêu dùng. Để đảm bảo nguyên liệu dừa sáp truyền thống đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính, ngoài liên kết với hợp tác xã dừa sáp Hòa Tân, các hộ trồng dừa theo hướng hữu cơ, Công ty còn xây dựng mạng lưới thu mua với các cơ sở có nguồn nguyên liệu dừa sáp. Thông qua mạng lưới trên, Công ty an tâm hơn vì các cơ sở có kinh nghiệm thu mua dừa sáp đạt chuẩn hơn, nên đáp ứng nhu cầu sản xuất. Sắp tới, ngoài việc củng cố các sản phẩm hiện có và xúc tiến thương mại tìm kiếm đối tác mới, Công ty củng cố lại vùng nguyên liệu dừa sáp và tổ chức hội thảo giữa doanh nghiệp và nông dân, qua đó ký hợp đồng thu mua dừa sáp của nông dân, góp phần đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất và đầu ra cho người trồng dừa.

Hơn 03 năm đi vào hoạt động, lợi nhuận của Công ty không nhiều chỉ đạt 05%/tổng doanh thu, giải quyết việc làm từ 15 - 30 lao động nữ, thu nhập bình quân hơn 05 triệu đồng/tháng/lao động. Phần lớn Công ty tập trung dồn lực vào kênh truyền thông marketing để giới thiệu, quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường. Công ty hiện có 09 dòng sản phẩm, trên 40 mã sản phẩm, trong đó có 07 sản phẩm OCOP 4 sao, 01 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia gồm: dừa sáp sợi, kẹo dừa sáp, dừa sấp sấy, sữa chữa dừa sáp sấy và 03 vị kẹo dừa sáp. Ngoài ra, Công ty còn 03 sản phẩm đang quá trình hoàn thiện hồ sơ đề nghị đạt công nhận OCOP 5 sao. Các sản phẩm OCOP của Công ty đều được xuất khẩu sang thị trường ngoài nước; sản phẩm dừa sáp sợi đang xuất khẩu tại thị trường Mỹ và Anh. Tuy các sản phẩm của Công ty đã tạo lòng tin với khách hàng trong và ngoài nước, nhưng khó khăn hiện nay sản phẩm OCOP của Công ty chỉ tiêu thụ theo đơn đặt hàng xuất khẩu của thị trường ngoài nước, còn thị trường nội địa rất ít. Vì thế, Công ty mong muốn lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện đưa sản phẩm Công ty đến với người tiêu dùng thông qua hình thức tặng quà nhân dịp lễ, Tết, giúp Công ty quảng bá xúc tiến sản phẩm tại thị trường trong tỉnh nói riêng, trong nước nói chung, từ đó góp phần giúp Công ty đẩy mạnh sản xuất, kết nối và khuyến khích các hộ trồng dừa mở rộng diện tích, tăng thu nhập, giải quyết việc làm nhiều lao động địa phương.

anh tin bai

Công nhân Công ty TNHH chế biến dừa sáp Cầu Kè đóng gói sản phẩm kẹo dừa sáp.

Hiện Công ty đang điều chỉnh vị lại và gửi mẫu sản phẩm dừa sáp sợi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc, bởi mỗi nước có nhu cầu khác nhau. Hàng tháng Công ty xuất khẩu theo đơn đặt hàng khoảng 300 thùng kẹo và dừa sáp sợi. Trong tháng 11 và 12/2023, Công ty xuất khẩu chính ngạch bằng container sang thị trường Mỹ theo đơn hợp đồng khoảng 01 tỷ đồng tương đương từ 1.000 - 1.200 thùng. Bên cạnh đó, Công ty đã liên kết Viettel Trà Vinh thông qua hệ thống Viettel post Trà Vinh để xúc tiến quảng bá các sản phẩm nhằm tìm kiếm đối tác.

Mở đường cho sản phẩm OCOP xuất ngoại

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa dễ dàng, giảm chi phí, Viettel post Trà Vinh xây dựng hệ thống hạ tầng mạng lưới đủ sức đáp ứng kịp thời vận chuyển hàng hóa trong nước và hơn 200 quốc gia trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Chi nhánh bưu chính Viettel Trà Vinh (Viettel post Trà Vinh) cho biết: với mong muốn trở thành mắt xích trong chuỗi hoạt động cùng với chính quyền địa phương và người dân thực hiện công cuộc chuyển đổi số và ứng dụng số hóa vào quá trình sản xuất kinh doanh. Việc ứng dụng Viettel Post, người dân khi có nhu cầu vận chuyển hàng hóa chỉ cần mở app lên vào thực hiện tạo đơn ngay lập tức sẽ có nhân viên liên hệ để tư vấn từ việc đóng gói cho đến kiểm soát được thời gian bưu gửi, tiền hàng được tự động thanh toán qua hình thức chuyển khoản ngân hàng mà người dân không cần đến Viettel post Trà Vinh. Một cam kết đặc biệt của Viettel Post với người dân, dù chỉ phát sinh 01 đơn hàng, nhân viên của viettel Post vẫn thực hiện đến nhận và vận chuyển, bằng cam kết này Viettel Post mong muốn tất cả những người dân sẽ được tiếp cận công bằng với những dịch vụ số hóa để tập trung nguồn lực vào việc sản xuất hàng hóa.

Ngoài ra, Viettel Post áp dụng chính sách ưu đãi giá cước vận chuyển đến 20% cho đến hết năm 2024 để hỗ trợ các hộ sản xuất, doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp quảng bá các sản phẩm đến hàng chục triệu khách hàng của Viettel. Đối với việc chuyển phát hàng đi quốc tế, Viettel Post luôn có đội ngũ nhân sự chuyên hỗ trợ tư vấn khách hàng để lựa chọn được các dịch vụ vận chuyển quốc tế nhanh nhất với chi phí ưu đãi nhất. Từ đầu năm 2023 đến nay, Viettel Post Trà Vinh đã thực hiện đến nhà nhận và vận chuyển cho khách hàng gần 240.000 bưu phẩm qua ứng dụng Viettel Post.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN
thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 2
  • Hôm nay: 11
  • Trong tuần: 134
  • Tất cả: 285639