Chuyển dịch cơ cấu hình thành kinh tế hợp tác sản xuất hiệu quả
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ thúc đẩy kinh tế phát triển. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng góp phần hình thành vùng sản xuất kinh tế hợp tác đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân. 

Theo đồng chí Nguyễn Văn Ngà, Chủ tịch UBND huyện Cầu Ngang: trong thực hiện công tác quy hoạch, huyện chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho yêu cầu sản xuất, tạo đà cho kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển. Công tác tổ chức sản xuất được quan tâm phát triển, có nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, ổn định, góp phần quan trọng về mặt kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên khá, giàu. Đồng thời hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân rộng, có nhiều mô hình thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cho thu nhập cao như mô hình sản xuất lúa hữu cơ, lúa chất lượng cao, mô hình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao… Đến nay, toàn huyện có 159 tổ hợp tác với 2.771 thành viên và 23 hợp tác xã với 1.216 thành viên, vốn điều lệ gần 20,8 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Cầu Ngang (giữa) tham quan mô hình trồng ớt chỉ thiên của bà Nguyễn Thị Ngâu (phải).

Nông dân Sơn Ngọc Mạnh, Tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất lúa - tôm ấp Sóc Chuối, xã Hiệp Hòa, huyện Cầu Ngang cho biết: tổ hợp tác hiện có 32 thành viên tham gia sản xuất gần 24ha. Tham gia vào tổ hợp tác, các thành viên cũng như nông dân được địa phương tạo điều kiện liên kết sản xuất và bao tiêu với các doanh nghiệp, hợp tác xã trong và ngoài huyện về các dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp đầu vào và đầu ra sản phẩm, nông dân an tâm sản xuất. Ngoài ra, các thành viên và nông dân được hướng dẫn quy trình canh tác lúa hữu cơ giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo đầu ra. Với diện tích trên, các thành viên trong tổ sản xuất 01 vụ lúa - 01 vụ tôm hoặc 02 vụ tôm - 01 vụ lúa hữu cơ ST25. Đối với vụ tôm, nông dân thả nuôi tôm sú hoặc tôm thẻ chân trắng với hình thức quảng canh cải tiến và 01 vụ lúa. Đối với sản xuất lúa hữu cơ, năng suất bình quân đạt 05 tấn/ha, giá bán 8.500 đồng/kg, lợi nhuận hơn 20 triệu đồng/ha. Qua hơn 01 năm hoạt động, đời sống của các thành viên tổ hợp tác nói chung, đồng bào Khmer nói riêng ngày càng nâng lên. Với 1,1ha đất sản xuất của gia đình, ông Mạnh hàng năm thả nuôi 01 vụ tôm sú - 01 vụ tôm. Đối với vụ tôm, ông thả nuôi 40.000 con tôm giống, sau thời gian nuôi từ 04 - 05 tháng, giá bán từ 85.000 - 220.000 đồng/kg tùy loại, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Khi kết thúc vụ tôm, ông trồng lúa ST25 sản xuất theo quy trình hữu cơ, năng suất đạt 05 tấn, lợi nhuận đạt 24 triệu đồng/ha.

Trong thực hiện đề án chuyển đổi, Kim Thi, thành viên tổ hợp tác trồng màu ấp Sóc Chuối đã mạnh dạn chuyển 0,5ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây màu chủ yếu dưa leo, khổ qua liên tiếp 03 vụ/năm; còn 02 ha đất còn lại ông làm 03 vụ lúa/năm và kết hợp nuôi 06 con bò sinh sản. Trồng màu tuy cực hơn trồng lúa nhưng lợi nhuận cao gấp 03 - 04 lần so với cây lúa. Hàng năm, ông trồng 02 vụ dưa leo, 01 vụ khổ qua, tuy giá nông sản biến động thất thường nhưng lợi nhuận bình quân đạt 04 - 05 triệu đồng/0,1ha. Đối với cây lúa, mặc dù lợi nhuận mang lại không nhiều như trồng màu nhưng có nguồn rơm rạ dồi dào phục vụ đàn bò nuôi, góp phần giảm chi phí chăn nuôi, tăng thu nhập, nhất là thời điểm hiện nay giá bò giảm. Mới đây, gia đình ông được vụ mùa bội thu lúa đông - xuân năm 2022 - 2023, lợi nhuận đạt 20 triệu đồng/ha. Song song đó, ông còn xuất bán 04 con bò thịt với tổng thu nhập 60 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Ngâu, thành viên tổ hợp tác trồng màu ở ấp Lạc Hòa, xã Thạnh Hòa Sơn huyện Cầu Ngang cho biết: tham gia vào tổ hợp tác ngoài được trang bị kiến thức kỹ thuật trồng màu và hỗ trợ các điều kiện về hệ thống tưới nước, màng phủ nông nghiệp,… bà được hỗ trợ vốn vay 20 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện có điều kiện tham gia sản xuất hoa màu và chăn nuôi, bước đầu đạt kết quả khả quan. Bên cạnh đó, tham gia vào tổ hợp tác trồng màu, bà được tổ hợp tác tạo điều kiện cho thu hoạch ớt dần công với các tổ viên khác, nhờ vậy giảm khá nhiều chi phí đầu tư trồng ớt. Với 0,2ha đất trồng trọt, hàng năm bà trồng 01 vụ ớt chỉ thiên - 01 vụ lúa, lợi nhuận đạt từ 10 - 15 triệu đồng/0,1ha. Vụ màu năm nay, với 0,2ha ớt chỉ thiên tuy giá bán đầu vụ 30.000 đồng/kg, vào mùa thu hoạch rộ sụt giảm còn 20.000 đồng/kg, nhưng lợi nhuận ước đạt 15 triệu đồng/0,1ha.

Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và XDNTM thông minh; thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với XDNTM theo hướng nông nghiệp sinh thái, kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; đảm bảo môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đạt 76 triệu đồng/người/năm.

Bài, ảnh: MẪN QUÂN

thư viện ảnh
Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 2
  • Trong tuần: 129
  • Tất cả: 285646